Học sinh mầm non TP.HCM cùng hành động bảo vệ môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 13:28, 02/08/2018

(TN&MT) - Học sinh, giáo viên và phụ huynh của 30 trường mầm non tại 04 quận trên địa bàn TP.HCM sẽ được tham gia các buổi tuyên truyền về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, được trực tiếp thực hành phân loại và thu gom vỏ sữa đã sử dụng hàng ngày.
doan1
Bí thư Đoàn Sở TN&MT Nguyễn Viết Vũ phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình truyền thông học đường “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường”

Đây chính là nội dung chính của Chương trình truyền thông học đường “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường” do Đoàn Thanh niên Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Quận đoàn các quận: quận 4, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam thực hiện.

Chương trình sẽ được thực hiện trong năm học 2018 - 2019 nhằm giáo dục nhận thức về  ý thức bảo vệ môi trường nói chung, hình thành thói quen tốt cho các em học sinh trong việc phân loại chất thải rắn cho các em học sinh tại 30 trường mầm non trên địa bàn 04 quận thông qua một hành động cụ thể là phân loại vỏ hộp sữa giấy để tái chế, góp phần hình thành thói quen tốt trong việc phân loại rác, có tác động tích cực với môi trường.

Cụ thể, Chương trình sẽ tổ chức 30 buổi  tập huấn cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên thuộc 30 trường mầm non và 30 chương trình truyền thông học đường cho các em học sinh về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác thải và những đồ dùng đã qua sử dụng. Đặc biệt, chương trình sẽ thiết lập, hỗ trợ vật dụng và tài liệu phục vụ việc phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy sau khi sử dụng; tổ chức hoạt động phân loại và thu gom vỏ hộp sữa định kỳ tại 30 trường mầm non tham gia chương trình.

doan2
Cô Lê Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 5 (Quận Phú Nhuận) phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Hiện nay, TP.HCM có hơn 1.000 trường mầm non công lập và ngoài công lập với trên 350.000 học sinh. Nếu tính trung bình mỗi em uống 1 hộp sữa/ngày thì mỗi tháng có hơn 10 triệu vỏ hộp sữa giấy thải bỏ sau khi sử dụng, được thu gom và xử lý chung với các loại rác khác, phần lớn là đem đi chôn lấp.

Vỏ hộp sữa giấy bao gồm các thành phần chính là bột gỗ, nhôm, nhựa. Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện thành công việc thu gom và tái chế 100% vỏ hộp sữa giấy sau khi sử dụng như Nhật, Thái Lan,… Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, vỏ hộp sữa giấy đều được bỏ chung với rác, phải mất hàng chục đến hàng trăm năm để phân huỷ ngoài bãi rác.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình truyền thông học đường “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường”, Bí thư  Đoàn Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Viết Vũ cho biết: Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đang triển khai, trong đó có các  mục tiêu: đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, tăng tỷ lệ tái chế rác thải; nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường…

doan3
Đại diện 30 Trường Mầm non chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức tại Hội nghị

Là lực lượng xung kích triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, Đoàn Sở TN&MT đã triển khai rất nhiều chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường cho nhiều trường học từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở nhằm tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường cho học sinh, giáo dục nâng cao nhận thức từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày ở trường lớp và trong cuộc sống hàng ngày.

Chương trình “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường” được Đoàn Sở TN&MT thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hút không chỉ các em học sinh mà còn có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và đoàn viên thanh niên tại địa phương đối với việc phân loại và tái chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Trong đó, một việc làm đơn giản là phân loại riêng vỏ hộp sữa giấy để thu gom tái chế, chúng ta không chỉ giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm chi phí và những tác nhân gây ô nhiễm trong quá trình xử lý rác… mà còn bước đầu hình thành thói quen cho các em học sinh về phân loại rác, giảm lượng rác thải, tái chế rác thải.

Tại Hội nghị triển khai, các thầy cô của 30 trường mầm non đều rất hào hứng và ủng hộ Chương trình, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để nâng cao hiệu quả của chương trình truyền thông học đường nhiều ý nghĩa này. Theo các thầy cô, trẻ em cần được chăm lo, và giúp đỡ để hình thành  thói quen lẫn ý thức  về bảo vệ môi trường, về cách  xử lý, thu gom rác thải, phân loại rác qua những  hoạt động giáo dục hàng ngày là vô cùng quan trọng.

doan4
Các mô hình có ý nghĩa được học sinh TP.HCM thực hiện từ vỏ hộp sữa đã qua sử dụng được trưng bày tại Ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM năm 2015 

Tuy nhiên, đối với các em nhỏ, thông điệp và nội dung truyền thông về bảo vệ môi trường cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành; để các em dần dần hình thành thói quen tốt và có ý thức nhiều hơn đối với các hành vi sống thân thiện với môi trường.

Cô Lê Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 5 (quận Phú Nhuận) cho biết, học sinh, giáo viên và phụ huynh của nhà trường sẽ thực hiện nghiêm túc việc phân loại các vỏ hộp sữa giấy hàng ngày. Tuy nhiên, cô Tú cũng đề nghị Ban Tổ chức cần tiến hành vận chuyển kịp thời lượng vỏ hộp sữa đã thu gom để tránh tình trạng phát sinh mùi tại trường.

Bí thư Đoàn Sở TN&MT Nguyễn Viết Vũ đã thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến trên để việc triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời cho biết Chương trình không chỉ dừng lại ở việc phân loại thu gom vỏ hộp sữa, mà sẽ  thực hiện phân loại triệt để các loại rác khác theo chủ trường của thành phố. Đặc biệt, không chỉ tại 30 trường mầm non, trong thời gian tới chương trình truyền thông học đường này  sẽ được mở rộng tất cả các trường mầm non và tiểu học toàn thành phố.