Tiền Giang: Tăng cường phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 19:22, 24/07/2018
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, trong những năm qua, với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhu cầu lớn, đa dạng nguồn nguyên liệu, hóa chất, điều này dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường.
Trong đó đáng lưu ý nhất là vào tháng 9/2017, kho chứa thuốc trừ sâu và vật tư nông nghiệp rộng hàng trăm mét vuông của cửa hàng Trường Sơn thuộc xã An Hữu, huyện Cái Bè bị cháy gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Hậu quả làm khoảng 1.500 học sinh của các trường học trên địa bàn và nhiều hộ dân gần khu vực đám cháy phải nghỉ học và sơ tán vì mùi hôi của hóa chất lan tỏa có thể gây ngộ độc. Có một số người đã bị ngất xỉu được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì hít phải khói và mùi hôi phát ra từ sự cố này.
Do đó, để thực hiện phòng ngừa ứng phó và khắc phục sự cố môi trường xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc phòng ngừa và ứng phó, nhằm ngăn ngừa tại chỗ khả năng xảy ra sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án, phương án đầu tư. Trong thẩm định các hồ sơ môi trường đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và các loại hình có nguy cơ gây sự cố môi trường cần phối hợp với các đơn vị có liên quan, đảm bảo các quy định về mua bán, kinh doanh, và các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành tỉnh và địa phương rà soát các cơ sở, các loại hình sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ra sự cố môi trường để tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý theo quy định, hoàn thành trong quý III năm 2018. Lưu ý trong trường hợp xảy ra sự cố phải phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức đánh giá, đưa ra phương án xử lý môi trường, và giám sát diễn biến chất lượng môi trường theo quy định.
Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã phải nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành thực hiện công tác phòng chống cháy nổ, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường thuộc trách nhiệm quản lý. Việc cấp hồ sơ môi trường và các giấy phép có liên quan cho các loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và các ngành nghề có nguy cơ gây sự cố môi trường theo thẩm quyền đảm bảo các quy định pháp luật, trong đó phải đáp ứng điều kiện về vị trí hoạt động và quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở thuộc các ngành nghề có nguy cơ gây ra sự cố môi trường, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong các khu dân cư, các địa điểm gần trường học, bệnh viện và các khu vực công cộng. Chủ trì, phê duyệt, tổ chức thực phương án phá dỡ công trình xây dựng ở khu vực bị sự cố nếu buộc phải phá dỡ để đảm bảo an toàn.