Cuối tháng 7/2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh
Tin tức - Ngày đăng : 14:18, 26/07/2018
(TN&MT) - Sáng 26/7/2018, tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với UBND thành phố cần Thơ và các tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai khu vực phía Nam năm 2108.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Năm 2017, bão lụt cả nước làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 60 ngàn tỷ đồng....
"Từ đầu năm 2018 đến nay, các đợt mưa đặc biệt lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng. Khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng cũng là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước của sông Mê Kông..."- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn lưu ý.
Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến nay khu vực Nam Bộ xảy ra 562 điểm sạt lở với chiều dài 786km; 49 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 266km. Riêng năm 2017 thiên tai đã thiệt hại 28 người chết và mất tích, 46 người bị thương; sập 937 căn nhà; trên 4.730 căn nhà bị tốc mái hoặc thiệt hại một phần; sạt lở bờ sông, bờ biển trên 172km; trên 12 km đê bao, bờ bao bị sạt trôi, hư hỏng; thiệt hại trên 68.000 ha diện tích lúa; trên 4.700 ha diện tích hoa màu và rau màu bị thiệt hại…tổng thiệt hại về kinh tế trên 900 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, qua đợt thiên tai vừa qua, nhìn chung các tỉnh, thành Nam Bộ đã có kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai, cụ thể có 13/19 tỉnh, thành có kế hoạch PCTT, 18/19 tỉnh, thành có phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, 19/19 tỉnh có phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, trong đó, các tỉnh thành làm tốt như Cà Mau, Bến tre đã nhận định rõ nguy cơ thiên tai trên địa bàn, tác động của biến đổi khí hậu; xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; bố trí nguồn lực thực hiện, tổ chức thực hiện.
Từ nay đến cuối năm 2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với thiên tai. Cụ thể, đối với công tác phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới cần rà soát phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, phương châm “4 tại chỗ”; lập phương án kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng cửa sông, ven biển. Đầu tư nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền. Tổ chức, sơ tán các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; lập phương án sơ tán dân; hướng dẫn người dân xây dựng nhà chống bão, chằng chống nhà cửa…
Về công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các tỉnh thành cần cập nhật bản đồ cảnh báo sạt lở để kịp thời theo dõi, xử lý nghiêm nhà xây dựng trái phép ven sông, kênh rạch, từng bước di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm…
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện không còn gay gắt như trước, nhưng Tổng cục Phòng chống thiên tai vẫn khuyến cáo các địa phương, cần chủ động triển khai các biện pháp trữ nước ngọt; hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển; khai thác lợi thế nước mặn, lợ…
Điều đáng lưu ý là, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối tháng 7/2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Cuối tháng 7 này mực nước cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên mức từ 2,5 đến 2,8m. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc ở mức báo động 2 và trên báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các trạm chính vùng hạ nguồn lên mức báo động 3 và trên mức báo động 3 từ 0,1 đến 0,2m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến khu vực ĐBSCL.
Ngoài ra Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cũng khuyến cáo, khu vực ven biển Nam bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, cuối tháng 11 và tháng 12…"Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả NQ 120 của Chính phủ và NQ 76 Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL và Công tác phòng chống thiên tai.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh qua hội nghị này các địa phương và Bộ ngành sẽ thống nhất nhận định tình hình và triển khai các giải pháp tổng thể công tác phòng chống thiên tai từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo…