Hà Nội: Nhiều bất cập trong công tác thu gom rác thải cồng kềnh

Tin tức - Ngày đăng : 09:06, 23/07/2018

(TN&MT) - Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung của xã hội, nhu cầu xây dựng và cải tạo nhà cửa của người dân Hà Nội ngày một gia tăng. Tuy nhiên,...
(TN&MT) - Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung của xã hội, nhu cầu xây dựng và cải tạo nhà cửa của người dân Hà Nội ngày một gia tăng. Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay tại thủ đô là các loại rác thải cồng kềnh vẫn ngang nhiên tập kết tại các khu vực công cộng như vỉa hè, bãi đất trống… Việc làm này gây mất mỹ quan đô thị, khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển... 
 
Hà Nội: Nhiều bất cập trong công tác thu gom rác thải cồng kềnh
Nhiều bất cập trong công tác thu gom rác thải cồng kềnh tại Hà Nội

Dạo một vòng quanh các tuyến phố trung tâm của thủ đô như: Nguyễn Chí Thanh; Láng Hạ; Trần Qúy Cáp; Trường Chinh; Tôn Đức Thắng... có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh không mấy đẹp mắt là những đống lớn, đống nhỏ ghế đệm mút; tủ, bàn, giường bằng gỗ, gỗ dán bị hỏng hoặc cũ không sử dụng tới được những người dân thiếu ý thức mang ra và vứt bừa bãi tại đây.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chị Nguyễn Thanh Vân – Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Hằng ngày khi thực hiện công việc của một công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên thấy cảnh tượng các loại rác thải cồng kềnh được tập kết bên cạnh các thùng rác văn minh hoặc tập trung tại các điểm cẩu rác của Công ty trên địa bàn 4 quận trung tâm của Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Theo chị Vân toàn bộ số rác thải cồng kềnh là bàn, ghế, giường tủ, đệm mút không nằm trong danh mục thu gom, vận chuyện của các Xí nghiệp môi trường trực thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Do đó, trong quá trình triển khai công tác thu gom khi phát hiện có loại rác thải trên các công nhân vệ sinh trường chỉ biết thu dọn và để gọn gàng vào một chỗ, không gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân tham gia giao thông trên đường, khách du lịch đi bộ trên vỉa hè.

Bên cạnh đó, thực hiện theo sự chỉ đạo của Xí nghiêp môi trường đô thị Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội công nhân môi trường đảm nhiệm vệ sinh các tuyến phố đều phải chụp lại hình ảnh ghi lại thời gian, ngày giờ cụ thể đối với số lượng rác thải cồng kềnh phát sinh, từ đó báo cáo Xí nghiệp, đề xuất với chính quyền địa phương xử lý số rác thải nói trên.
 
đầu ngõ 36 đường Giang Văn Minh
Đầu cầu ngõ 36 đường Giang Văn Minh thường xuyên là điểm tập kết lý tưởng của các loại rác thải cồng kềnh như: giường, tủ, bàn ghế, sofa, đệm,...

Ông Phạm Huy Chương – Phường Đội Cấn, quận Ba Đình bức xúc cho biết: Tại điểm cẩu rác trên đầu cầu ngõ 36 đường Giang Văn Minh của Xí nghiệp môi trường đô thị Ba Đình thường xuyên là nơi tập kết lý tưởng của các đối tượng vứt rác thải cồng kềnh, thậm chí nhiều cá nhân, hộ gia đình khi có nhu cầu là có thể liên hệ thuê những người lao động lái xe ôm hoặc xe xích lô chở đến khu vực bãi đất trống gần biển quảng cáo rao vặt được chính quyền địa phương lắp đặt tại đây. 

Dù biết trong quá trình phát kinh tế, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thu đô không tránh khỏi việc thải bỏ các đồ dùng, vật dụng cũ hỏng không sử dụng đến. Tuy nhiên, không vì thế một bộ phận người dân được phép coi thường pháp luật bảo vệ môi trường, vô tư mang vác và xả bừa bãi các loại rác thải cồng kềnh ra nơi công cộng, vỉa hè, lòng đường, khu vực tập kết rác thải... Điều đáng nói các vật dụng cồng kênh đã qua sử dụng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị, mà còn là những chứng ngại vật gây mất an toàn cho người dân đi lại trên đường. 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phòng Tổ chức lao động, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Nếu như trước đây, những đồ dùng sinh hoạt này được tận dụng để tái sử dụng, hoặc ít nhất cũng được dùng vào mục đích làm củi đun... Thế nhưng, đến nay đời sống kinh tế người dân khá lên, nhu cầu sử dụng đồ dùng mới, đồ dùng đẹp cũng cao hơn. Vì vậy, lượng rác thải cồng kềnh phát sinh từ việc các gia đình thay thế đồ dùng sinh hoạt hỏng, cũ, lỗi mốt tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Để xứ lý tình trạng này các Xí nghiệp môi trường đô thị Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã phối hợp với UBND các quận và UBND các phường thông tin đến người dân khi có nhu cầu cần thu dọn đề nghị thông báo cho các Xí nghiệp qua đường dây nóng. Để các đơn vị bố trí phương tiện, nhân lực thu dọn, còn người dân chịu các chi phí thu dọn và vận chuyển. 

Đơn cử như Xí nghiệp môi trường đô thị Đống Đa đã thông tin rộng rãi trên cá phương tiện truyền thông vào các ngày thứ 7 hàng tuần, người dân trên địa bàn quận có thể chủ động đem các vật dụng cồng kềnh tập kết tại 2 điểm đối diện 157 Chùa Láng và số 4 Hoàng Cầu. Xí nghiệp môi trường Đống Đa sẽ tổ chức vận chuyển từ 2 điểm tập kết trên lên bãi xử lý.
 
nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND thành phố Hà Nội cần sớm có phương án xử lý các loại rác thải cồng kềnh này. Có như vậy, bộ mặt đô thị thủ đô mới thực sự phong quang, sạch đẹp

Tuy nhiên, theo ông Hiệp hiện nay các loại rác thải cồng kềnh vẫn được xả ra bừa bãi khắp nơi. Do vậy, Công ty đã đề nghị với UBND các quận chỉ đạo UBND các phường một mặt tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ rác thải cồng kềnh đúng nơi, đúng giờ quy định. Mặt khác cũng chỉ đạo UBND các phường, Công an các phường tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, xử phạt nghiêm các hộ dân tùy tiện mang tập kết ra mặt phố các vận dụng sinh hoạt cồng kềnh: giường, tủ, bàn ghế, sofa, đệm,... theo Nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ.

Qua đây có thể thấy vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh đang tồn tại không ít các bất cập, dẫn tới sự xuất hiện nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị của những vật dụng giường, tủ, bàn ghế, sofa, đệm... trên các đường phố trung tâm của thủ đô. Vì vậy, thiết nghĩ đã đến lúc UBND thành phố Hà Nội và các ngành chức năng cần sớm có phương án xử lý các loại rác thải cồng kềnh này. Có như vậy, mới đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời đảm bảo cho bộ mặt đô thị thành phố thực sự xanh – sạch – đẹp.