Thừa Thiên Huế: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án cải thiện môi trường nước
Tin tức - Ngày đăng : 14:28, 12/07/2018
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII đang diễn ra từ 11-13/7, các đại biểu đã trình bày báo cáo kết quả giám sát dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế; nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện dự án, tìm ra những hạn chế, bất cập làm chậm tiến độ công trình; xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế được xem là dự án trọng điểm, nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn thành phố khỏi nguy cơ bị đe dọa ô nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương...
Dự án do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với lãi suất chỉ 0,5%. Kinh phí là 24 tỷ yên, trong đó 20,8 tỷ yên là của Chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.
Theo tiến độ cam kết hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, dự án được thực hiện trong vòng 10 năm, từ 2008- 2018.
Sau 2 năm triển khai thi công thực địa, dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đã đạt một số kết quả, trong đó, gói thầu xây dựng kè hói cơ bản hoàn thành, riêng hai gói thầu quan trọng nhất là đường cống thoát nước và Nhà máy xử lý nước thải tiến độ khá chậm, trong khi tiến độ cam kết theo hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản phải hoàn thành vào tháng 7/2018. Vì vậy chủ đầu tư đã xin gia hạn thêm một năm, tức là vào quý III/2019.
Đánh giá về quá trình thực hiện dự án, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết mặc dù trung bình mỗi tháng Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) phát hành gần 100 văn bản điều hành nhưng vẫn chậm tiến độ.
Cụ thể, quá trình thi công tại nhiều tuyến đường, nhà thầu chưa chấp hành nghiêm quy định về rào chắn bảo vệ, biển báo; công tác hoàn trả mặt đường chậm; chất lượng mặt đường sau hoàn trả tại một số tuyến đường chính, đường kiệt chưa đảm bảo... gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân trong thời gian dài.
Trên một số tuyến thoát nước, có những nắp hố ga, họng thu cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường đã ảnh hưởng đến khả năng thu nước cũng như gây mất an toàn giao thông. Việc phối hợp giữa nhà thầu với chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi thực hiện dự án chưa tốt nên việc xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hạng mục không kịp thời.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian mưa kéo dài nhiều tháng, điều kiện thi công ở Huế có nhiều bất lợi, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan. Trong đó, năng lực các nhà thầu chính chưa đáp ứng yêu cầu là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án. Hầu hết các nhà thầu hạn chế về tiền mặt, nhân lực, phương tiện thi công không đảm bảo; thiếu kinh nghiệm thi công trong điều kiện, địa hình, địa chất, thời tiết khắc nghiệt ở Huế...
Đẩy nhanh tiến độ hơn nữa
Ông Cái Vĩnh Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới.
Đối với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án, chỉ đạo rà soát tổng thể dự án, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình gia hạn Hiệp định theo quy định, có kế hoạch sắp xếp nguồn vốn đối ứng trong trường hợp Chính phủ không đồng ý sử dụng vốn ODA cho hai năm vận hành và bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải.
UBND TP. Huế cần chỉ đạo đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu, các khu vực liên quan các dự án; phối hợp các ngành liên quan xử lý dứt điểm các vướng mắc còn lại về giải phóng mặt bằng để bàn giao. Chỉ đạo Công an, Phòng Quản lý đô thị và các ngành liên quan tăng cường phối hợp trong việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá triển triển khai các hạng mục còn lại của dự án. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc thi công cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn trả đến đó nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến người dân.
Đối với chủ đầu tư, tư vấn giám sát, cần tuân thủ các quy định của hợp đồng xây lắp. Những nhà thầu không đủ năng lực, không thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng, kiên quyết phạt tiến độ theo quy định của pháp luật; xem xét năng lực thực tế của từng nhà thầu để chuyển giao các hạng mục của nhà thầu không đảm bảo năng lực, thi công chậm tiến độ cho nhà thầu khác đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các nhà thầu, rà soát toàn bộ khối lượng còn lại gói thầu, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng hạng mục còn lại; khắc phục những vị trí thi công chưa đảm bảo chất lượng; tăng cường làm ca đêm.
Tăng cường các biển báo; tường chắn bảo vệ; bố trí người gác các vị trí đang thi công, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông và an toàn lao động trong thi công. Tăng cường tưới nước các khu vực thi công, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường cho người dân...
Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường từng thông tin rất nhiều lần, việc thi công Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế chậm chạp, không an toàn, nước thải gây ô nhiễm, gây nứt nhà dân, ngỗn ngang... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Hiện các tuyến đường phía Nam TP. Huế vẫn đang được các đơn vị thi công tiến hành đào bới, san lấp, lắp đặt ống cống. Nhưng, nhiều điểm thi công làm bụi bay mù mịt, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường...