Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng: Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng
Tin tức - Ngày đăng : 16:06, 12/07/2018
Dân xả rác bừa bãi nhưng cũng là nguyên nhân gây ngập
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM ngày 11/7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước trên địa bàn dù đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn rất nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước không “thuyên giảm” là do hệ thống thoát nước của thành phố nhiều nơi bị tê liệt, hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm, hệ thống cống ngầm bị ùn ứ các loại rác thải, các miệng cống thoát nước cũng bị bịt kín bởi vô số các loại chất thải. Mà đối tượng gây nên tình trạng trên chính là do ý thức của một bộ phận người dân có thói quen xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết: Hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều loại rác thải từ lớn tới nhỏ được vứt bừa bãi dưới lòng đường, miệng cống thoát nước, dưới kênh rạch. Chính một bộ phận người dân thiếu ý thức đã khiến cho tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng.
Theo bà Trâm, hàng năm, Thành phố đã phải chi hàng trăm tỷ đồng cho việc nạo vét kênh rạch, cống thoát nước để khơi thông dòng chảy. Đồng thời, mỗi ngày hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường phải chui xuống lòng cống để vớt hàng trăm thứ rác thải do người dân vứt xuống, rất độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thì phản ánh tình trạng rất phổ biến hiện nay là sau khi kết thúc các sự kiện có nhiều người tham gia ở các nơi công cộng thì luôn “ngập ngụa” rác thải. “Rõ ràng, một bộ phận người dân, đáng buồn hơn là có rất nhiều người trẻ không có ý thức bảo vệ môi trường, có hành vi xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định” - đại biểu Khuê nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt câu hỏi vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu trong câu chuyện này. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi như vậy, người dân có lỗi 1 thì các cơ quan quản lý có lỗi 10. Bởi, các chính quyền, đoàn thể không sâu sát, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt chúng ta đã có quy định xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng nhưng các cơ quan quản lý lại chỉ xử lý được vài trường hợp. Các đợt tuyên truyền, ra quân xử phạt chỉ mang tính phong trào, chưa quyết liệt.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông tin: Hiện nay, hệ thống thoát nước đô thị trên toàn thành phố có tổng chiều dài 4.176km, 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả, chưa tính hệ thống kênh, mương. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều cửa xả, miệng cống trên khắp thành phố bị rác thải che lấp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường xử phạt
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, hiện nay mỗi ngày Thành phố phát sinh 8.900 tấn rác thải sinh hoạt, dự báo đến năm 2020 có khoảng 11.000 tấn mỗi ngày, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn. Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, rác trôi xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy, ngập nước.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong thời gian tới, Sở TN&MTsẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi xả rác nơi công cộng cho hệ thống chính quyền các quận huyện, phường xã. “Phải kết hợp giữa đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường xử phạt thì tình trạng người dân xả rác không đúng nơi quy định mới được xử lý triệt để” - ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định: “Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 7 triệu đồng đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”. Đồng thời, trách nhiệm xử lý đã giao cụ thể cho các quận, huyện, xã phường và ngành Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, để có căn cứ xử lý vi phạm, Thành phố đang tiến hành lắp đặt thêm hệ thống camera ở các khu vực công cộng.
Về khía cạnh tài chính, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết: Mỗi năm, ngân sách Thành phố chi 1.132 tỷ đồng cho duy tu hệ thống thoát nước và 2.848 tỷ đồng cho xử lý rác thải; trong đó, 700 tỷ đồng cho quét rác, 535 tỷ đồng để vận chuyển, 88 tỷ đồng để phân loại rác, 1.507 tỷ đồng để xử lý rác.
Sắp tới, để tăng hiệu quả xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định, Thành phố có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt để chi cho hoạt động của lực lượng xử phạt, thậm chí, nếu thiếu thì có thể tính toán có thêm nguồn kinh phí khác.
Ở khía cạnh khác, chia sẻ về các biện pháp xử lý kỹ thuật, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết: Có 5 bước để đảm bảo hệ thống thoát nước, gồm: kiểm soát nguồn rác thải, vệ sinh trên vỉa hè, kiểm soát rác không để rơi xuống hố ga, miệng cống, nạo vét và xử lý. Sở Giao thông Vận tải đang triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ mới trong ngăn mùi, ngăn rác, tới đây sẽ được ứng dụng nhân rộng trên toàn thành phố.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND Thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi toàn thể người dân thành phố nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, miệng cống thoát nước, gây nên tình trạng ngập nước. Đồng thời, ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc Thành phố cần chủ trì, phối hợp với hệ thống chính quyền các cấp triển khai một cuộc vận động kêu gọi người dân thành phố làm cho thành phố bớt ngập bằng việc làm của mình.