Gặp cụ ông gần 30 năm dọn rác không công ở hồ Hữu Tiệp
Tin tức - Ngày đăng : 14:31, 30/06/2018
(TN&MT) – Chứng kiến cảnh hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ô nhiễm nặng, một cụ ông đã tình nguyện làm công việc dọn dẹp rác ở hồ suốt gần...
(TN&MT) – Chứng kiến cảnh hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ô nhiễm nặng, một cụ ông đã tình nguyện làm công việc dọn dẹp rác ở hồ suốt gần 30 năm qua. Hình ảnh cụ ông râu tóc bạc phơ, cặm cụi bên chiếc vợt dài đi vớt rác đã trở thành một biểu tượng đẹp trong lòng người dân và du khách nơi đây.
Hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) còn được gọi bằng cái tên thân mật là “hồ B52” vì đây là địa điểm hồ duy nhất còn lưu giữ xác máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội cho đến hôm nay. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của khu dân cư, khu vực hồ này ngày càng bị ô nhiễm do rác thải. Chính vì thế, gần 30 năm qua, một cụ ông đã tình nguyện làm công việc dọn dẹp rác để làm sạch lòng hồ và khu vực xung quanh hồ.
Chúng tôi tìm đến ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, hỏi thăm cụ Đỗ Sáng Luyện (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) nhặt rác thì ai ai cũng biết. Hình ảnh cụ ông hơn 80 tuổi râu tóc bạc phơ, dù nắng hay mưa vẫn ngày ngày ra dọn vệ sinh và vớt rác ở quanh hồ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với tất cả mọi người nơi đây. Trao đổi với PV, cụ Đỗ Sáng Luyện cho biết: “Từ năm 1990 tôi đã bắt đầu công việc này. Nhiều người hỏi đùa tôi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng bao nhiêu năm như vậy mà không biết chán à? Lúc đó tôi chỉ cười. Bởi thực ra làm công việc dọn rác này, tôi không có lương, cũng chẳng xin phụ cấp tổ chức, cơ quan nào cả nên nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Tuy nhiên với tôi hồ Hữu Tiệp là một di tích lịch sử, một biểu tưởng của Thủ đô anh hùng. Mà một biểu tượng như vậy, nhìn cảnh người ta xả rác mọi nơi là tôi không chịu được. Tôi coi việc dọn rác thay việc thể dục, thể thao hàng ngày. Mình vừa có sức khỏe, vừa giúp môi trường sạch lên thì tại sao không làm?”.
Theo chia sẻ của cụ Luyện, tất cả mọi ngày, bất kể mưa nắng, mùa đông hay mùa hè, cụ đều đặn ra đây dọn dẹp vệ sinh. Ngày nhiều thì 4-5 lần, ngày ít thì 2-3, hình ảnh cụ già tay cầm chiếc vợt đi vợt rác đã trở nên quá đỗi quen thuộc. “Tôi tự chế chiếc vợt cho riêng mình. Vừa nhẹ, vừa tiện. Mỗi ngày tôi vớt rác, váng bẩn gom vào bao rồi vứt lên xe chở rác. Ngày nào cũng như vậy, mãi cũng thành quen, không làm lại nhớ” – cụ Luyện cười hiền chia sẻ.
Gần 30 năm vớt rác không công tại khu vực hồ Hữu Tiệp, hình ảnh cụ Luyện đã truyền cảm hứng cho biết bao người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cụ tâm sự: “So với trước đây thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân cao hơn nhiều rồi. Bà con bây giờ không còn xả rác bừa bãi nữa. Trước họ nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, nghi ngờ. Ấy nhưng giờ nhiều người còn chung tay vớt rác và bảo vệ môi trường xung quanh hồ cùng tôi”.
Bác Lê Ngọc Tân, một người dân sống gần hồ Hữu Tiệp cho biết: “Khu vực xung quanh hồ B52 có trường học và chợ nên người buôn bán vô ý thức hay các em học sinh hay vứt rác xuống hồ gây ô nhiêm và mất cảnh quan đô thị. Rất may chúng tôi có cụ Luyện, ngày nào cũng cần mẫn, kiên trì vớt từng mảnh rác để bảo vệ môi trường. Nhìn cụ già ngày nào cũng cặm cụi như vậy, bản thân người quanh khu vực chẳng ai dám vứt rác bừa bãi cả. Cụ là biểu tượng của cả khu chúng tôi đấy”.
Chị Nguyễn Thị Quyên – người bán hàng ngay cạnh hồ Hữu Tiệp nói: “Mặc dù cụ đã nhiều tuổi nhưng tinh thần vì mọi người, vì cái chung thực sự đáng học hỏi. Bản thân chúng tôi thấy vậy không chỉ tự nhắc nhở bản thân mà còn nhắc nhở con cháu, nhắc nhở bạn bè phải có tinh thần giữ gìn vệ sinh chung , không xả rác ra môi trường”.
Gần 30 năm lặng lẽ làm một công việc chẳng thù lao, khen thưởng, thậm chí nhận được những lời trêu chọc không hay nhưng cụ Luyện vẫn quyết tâm theo đuổi công việc của mình. Chính vì những hành động của cụ mà nhiều người đã thay đổi nhận thức và tự nhắc nhở bản than phải có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn nữa. Dù khoảng thời gian dài đẵng đẵng với biết bao khó khăn ập đến nhưng cụ không bao giờ than thở hoặc xin bất cứ khoản trợ cấp nào. Cụ nói cụ làm vậy là để làm đẹp cho Hà Nội, cho một di tích nổi tiếng của Thủ đô. Đó cũng là niềm vui của bản thân cụ mỗi ngày.