Thái Nguyên: Khó khăn trong quản lý, thu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng
Tin tức - Ngày đăng : 21:02, 01/07/2018
Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đơn vị đã thanh toán tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng năm 2017 cho 4 đơn vị, với tổng kinh phí trên 1,680 tỷ đồng. Nguồn quỹ không nhiều như các tỉnh khác, nhưng rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cho các đơn vị có kinh phí chi trả dịch vụ bảo vệ rừng, góp phần phát triển rừng. Đây là nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, sung yếu dễ bị xâm hại. Tiền thu từ các đơn vị được ít nên việc chi trả dịch vụ rừng cũng hạn chế, chiếm khoảng 12% tổng diện tích rừng phòng hộ của tỉnh. Năm 2018, kinh phí Trung ương phân bổ cho công tác bảo vệ rừng, tỉnh Thái Nguyên được giao hơn 10 tỷ đồng, nhưng đây là sự điều tiết từ ngân sách Nhà nước, giao thẳng cho ngành Nông nghiệp – PTNT tỉnh, không phải nguồn từ dịch vụ bảo vệ rừng. Quỹ tỉnh Thái Nguyên thu bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu, năm 2018 dự kiến thu 2,6 tỷ đồng, do nguồn thu từ nước sạch tăng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên là 1/47 quỹ trên toàn quốc. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tới đây được đưa vào luật hóa, về tính pháp lý là có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Thái Nguyên nguồn thu từ những quỹ đặc thù (nước sạch, thủy điện và du lịch) thấp. Từ tháng 7 này, nếu nước công nghiệp có hướng dẫn thu phí dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu sẽ cao hơn, Quỹ sẽ tăng thêm khoảng 3 tỷ đồng nữa.
Còn những tồn tại ở khu Hồ Núi Cốc đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đầu năm 2018 có trao đổi với Giám đốc Sở nếu xử lý theo hướng của pháp luật sẽ có những vướng mắc vì hiện nay doanh nghiệp (khu du lịch Hồ Núi Cốc) đang được Nhà nước khuyến khích nhưng không phải vì thế mà đơn vị không xem xét vì đây là trách nhiệm và quy định của pháp luật.
Tiếp theo đó là giải quyết tính công bằng trong hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước của các đối tượng thuộc đơn vị quản lý. Các đơn vị kinh doanh du lịch khu vực Hồ Núi Cốc đã hoạt động rất nhiều năm nhưng những khoản nghĩa vụ với Nhà nước (theo quy định của nhà nước từ 1,5 - 2%/tổng doanh thu của hoạt động dịch vụ du lịch của doanh nghiệp là hơn 500 triệu đồng) dù đã được thông báo (Căn cứ vào nghị định của Nhà nước và những văn bản trả lời của Tổng cục Lâm nghiệp cũng như của Bộ Lâm nghiệp: khu du lịch nằm trong khu vực rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc). Cơ quan Quỹ vận động rất nhiều (từ năm 2015, hàng năm tỉnh có quyết định thu phí dịch vụ môi trường rừng) nhưng doanh nghiệp không hợp tác. Doanh nghiệp cho rằng, khi UBND tỉnh giao đất cho doanh nghiệp chỉ là một khu đất trống, đồi núi trọc không có rừng, sau này Nhà nước mới quy hoạch rừng phòng hộ.
Hàng năm đơn vị Quỹ có báo cáo với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và hội đồng của quỹ, đã từng kết hợp với kiểm lâm đến làm việc theo Nghị định 41 nhưng doanh nghiệp trốn tránh. Mới đây khoảng 1 tháng, cơ quan Quỹ có tham mưu cho UBND tỉnh mở hội nghị và yêu cầu doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi với các ngành có liên quan, trong Hội nghị đó Phó giám đốc Công ty Du lịch Hồ núi Cốc ký vào văn bản làm việc, cam kết nếu UBND tỉnh có yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ thực hiện nghĩa vụ, mặc dù doanh nghiệp cũng chưa thỏa đáng trong việc này.
Hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đang chờ doanh nghiệp thống kê, báo cáo doanh số, trình bày những khó khăn và kiến nghị lĩnh vực mà doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước để UBND tỉnh có hướng giải quyết, Quỹ chưa nhận được văn bản phúc đáp của doanh nghiệp; đơn vị Quỹ sẽ làm việc với doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, để tham mưu cho tỉnh thực hiện quản lý kinh phí nhà nước hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.