Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai: Điểm sáng doanh nghiệp “thân thiện môi trường”

Tin tức - Ngày đăng : 10:45, 20/06/2018

(TN&MT) - Ngoài hoạt động đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Nhà máysản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và xác định rõ, đây là nhiệm vụ hàng đầu, yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững.
Thu Phương


Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 có tiền thân là Xí nghiệp liên doanh Tapioca Việt Thái được thành lập theo giấy phép 767/GP ngày 18/1/1994 của Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư, (nay gọi là Bộ Kế hoạch & Đầu tư) với ngành nghề kinh doanh là sản xuất tinh bột sắn và các sản phẩm chế biến từ tinh bột sắn. Sau một thời gian dài hoạt động, đến cuối năm 2005, các bên góp vốn đã nhất trí chuyển lại toàn bộ cổ phần cho Công ty CPHH Vedan Việt Nam. Trên cơ sở đó Công Ty CPHH Vedan thành lập nên Công ty TNHH VeYu. Đến tháng 11/2012, nhà máy sản xuất cầm chừng do khủng hoảng kinh tế và năng lực của công nhân còn thấp chưa đủ sức vận hành thiết bị. Xuất phát từ tình hình này, ngày 11/1/2013 được sự cho phép của UBND tỉnh Gia Lai, Công ty Cổ Phần Nông Sản Thực Phẩm Quảng Ngãi tiếp nhận nhà máy dựa trên hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công Ty TNHH VeYu và Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi. Từ đây, Chi nhánh Công ty Cổ Phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi với tên gọi: Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động.

Thu Phương


Sản xuất trong lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, với công suất 200 tấn tinh bột/ngày đêm, vì vậy, nếu không xử lý môi trường một cách triệt để thì nhà máy sẽ phải đóng cửa. Ý thức được điều này nên trong những năm qua, song song với công tác sản xuất thì công tác bảo vệ môi trường luôn được Ban lãnh đạo nhà máy quan tâm hàng đầu với những đầu tư thích đáng. Để xử lý triệt để các vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với kinh phí khoảng 14,1 tỷ đồng. Công suất xử lý nước thải của hệ thống trung bình khoảng: 3.200m3/ngày đêm. Chất lượng nước thải ra nguồn tiếp nhận đạt QCVN 40:2011/BTNMT cột B - Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải công nghiệp và QCVN 63:2017/BTNMT cột B - Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải tinh bột sắn. Trong năm 2017, nhà máy tiếp tục đầu tư bổ sung hạng mục nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Đến nay, đã hoàn thành công trình bổ sung hạng mục sục khí cưỡng bức vào hệ thống xử lý nước thải, với kinh phí của hạng mục khoảng 9,8 tỷ đồng. Nhờ vậy mà môi trường nhà máy luôn Xanh - Sạch - Đẹp được cộng đồng, chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá cao.  

Được biết,quy trình xử lý nước thải của nhà máy được thực hiện theo một quy trình khoa học, khép kín, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Hiện, công nghệ xử lý nước thải theo cơ chế kỵ khí. Quá trình phân giải chất hữu cơ sinh ra một lượng khí Biogas lớn, trong đó hàm lượng khí Mêtan chiếm từ 50 - 65%. Toàn bộ lượng khí này được thu hồi bằng hệ thống đường ống HDPE phía bên trong bể CIGAR để cấp cho lò đốt sấy sản phẩm. Nước thải sau khi được xử lý tại bể hiếu khí được đưa qua hệ thống bể lắng bùn sinh học. Quá trình xử lý hiếu khí sẽ làm gia tăng liên tục lượng bùn vi sinh trong bể đồng thời lượng bùn ban đầu sau thời gian sinh trưởng phát triển sẽ giảm khả năng xử lý chất ô nhiễm và chết đi. Do đó, bể lắng được thiết kế để thu gom lượng bùn này và giữ lại lượng bùn có khả năng xử lý tốt. Nước thải sau khi được xử lý tại bể hiếu khí được đưa qua bể lắng để tách bùn ra khỏi nước thải.

Thu Phương


Ông Đặng Bình Quyên- Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai (Cơ sở 2) khẳng định: Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế đang kéo theo sự gia tăng của những vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tuy nhiên, với phương châm phát triển bền vững, nhà máy luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và xác định rõ, đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Nhờ những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 luôn được thị trường đánh giá cao và được cộng đồng công nhận vì những đóng góp tích cực cho việc phát triển bền vững của xã hội.