Đa dang sinh học tại Việt Nam: Ưu tiên đề xuất hỗ trợ từ GEF 7

Tin tức - Ngày đăng : 15:43, 14/06/2018

(TN&MT) - Quỹ Môi trường toàn cầu - GEF hỗ trợ các dự án để giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học (ĐDSH), trong đó, tập trung vào các cơ hội...
(TN&MT) - Quỹ Môi trường toàn cầu - GEF hỗ trợ các dự án để giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học (ĐDSH), trong đó, tập trung vào các cơ hội có tính thúc đẩy cao nhất tới việc bảo tồn bền vững ĐDSH. Các dự án ĐDSH chiếm khoảng 36% danh mục đầu tư của GEF, là lĩnh vực hỗ trợ lớn nhất của Quỹ.
GEF
Các dự án ĐDSH chiếm khoảng 36% danh mục đầu tư của GEF
Kể từ khi hoạt động, GEF toàn cầu đã tài trợ Việt Nam khoảng 49 triệu USD để thực hiện các dự án quốc gia. Trong đó, bao gồm: 18 dự án thuộc lĩnh vực ĐDSH; 4 dự án đa lĩnh vực có lĩnh vực ĐDSH) và 3 dự án cấp khu vực và toàn cầu. Kinh phí tài trợ trong lĩnh vực ĐDSH chiếm 28% trên tổng số kinh phí GEF đã tài trợ cho Việt Nam. Qua đó cho thấy, GEF rất quan tâm đến lĩnh vực đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính ĐDSH cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.
GEF 1
Cứu hộ Tê tê
Tuy vậy, những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như: Chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã. Do đó, việc đưa ra các vấn đề ưu tiên trong quản lý ĐDSH của Việt Nam là việc quan trọng cần thực hiện.

Thời gian tới, Việt Nam đã có những đề xuất ưu tiên hỗ trợ từ GEF7 trong lĩnh vực ĐDSH, cụ thể như: Điều tra đánh giá và hoàn thiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia (theo Luật Quy hoạch); lồng ghép quy hoạch ĐDSH trong các quy hoạch quốc gia, vùng và cấp tỉnh; lượng giá giá trị hệ sinh thái; xây dựng và áp dụng các cơ chế dịch vụ hệ sinh thái trong nước, xuyên biên giới và quản lý vốn tự nhiên một cách có hiệu quả; xây dựng năng lực phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn ĐDSH; quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn gen có giá trị phục vụ cho kinh tế và đời sống của con người; đổi mới quản trị hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên: Mô hình hợp tác công tư và thống nhất hệ thống các khu bảo tồn; tăng cường quản lý tổng hợp, liên ngành đối với các sinh cảnh quan trọng; sửa đổi, hoàn thiện Luật Đa dạng sinh học…

Trước đó, sớm nhận biết được tầm quan trọng của ĐDSH cũng như vai trò của hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của quốc tế nên Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế về ĐDSH như: Công ước Ramsar (1989) về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của chim nước; Công ước Đa dạng sinh học (1994); Công ước về kiểm soát buôn bán các loài nguy cấp (CITES) (1994); Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (2005); Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (2014)…

Tại quy mô quốc gia, Việt Nam đã có nhiều chiến lược, chính sách liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; Chiến lược tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Chiến lược quản lý rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa… và nhiều kế hoạch hành động, chương trình, đề án về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, quản lý tiếp cận nguồn gen, quản lý sinh vật ngoại lai đã được ban hành và tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, để thực hiện 20 mục tiêu Aichi về bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam và các quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học đã triển khai xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu - cơ chế tài chính quan trọng để hỗ trợ thực hiện Công ước Đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu.

Theo đó, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam nhằm mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.