Đồng Nai: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 16:27, 07/06/2018
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo Sở TN&MT Đồng Nai, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó 31/32 KCN đã có dự án đi vào hoạt động về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), đạt 100%, đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra, với tổng công suất thiết kế là 166.070 m3/ngày.đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.763 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã hoàn thành thủ tục đầu tư lắp đặt 06 trạm quan trắc tự động nước thải tại 06 KCN: Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhơn Trạch 6A, Giang Điền, Dầu Giây và Long Khánh. Như vậy, đến cuối năm 2017, tỉnh Đồng Nai có 25/25 KCN đủ nước thải để vận hành liên tục hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, đạt 100%.
Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, ngoài nhiệm vụ quan trắc nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở TN&MT chủ trì thực hiện, định kỳ 01 năm 02 lần, Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và tình hình xây dựng, vận hành nhà máy XLNTTT của các KCN, kết quả giám sát, như sau:
Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 116.893 m3/ngày.đêm. Trong đó, lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các nhà máy XLNTTT là 83.088 m3/ngày.đêm (chiếm 71,08%), lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 33.685 m3/ngày.đêm (chiếm 28,82%), lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 120 m3/ngày.đêm (chiếm 0,1%).
Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã duy trì công tác quan trắc các thành phần môi trường để kịp thời theo dõi, giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường. Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo việc giám sát 21 “điểm nóng” ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã yêu cầu các đơn vị này từng bước khắc phục vi phạm và ô nhiễm môi trường, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý phù hợp.
Sở TN&MT Đồng Nai còn hoàn thành rà soát, lập danh sách các dự án có nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) và các dự án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh; yêu cầu 27 doanh nghiệp có quy mô xả thải lớn (1.000m3/ngày) thực hiện lắp đặt quan trắc nước thải tự động. Đến nay, đã có 20/27 doanh nghiệp thực hiện với tổng lưu lượng nước thải được giám sát hơn 58.000m3/ngày.đêm.
Trong năm 2017, đã có 03 cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được chứng nhận hoàn thành khắc phục, nâng tổng số cơ sở đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm môi trường là 152/157 cơ sở (đạt 96,8%). Đối với 05 cơ sở còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở TN&MT Đồng Nai phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát, đôn đốc tình hình khắc phục ô nhiễm của các cơ sở.
Sỏ TN&MT Đồng Nai cũng đã thực hiện công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với nước thải, bao gồm: nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, với tổng số phí thu được trên 39 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở TN&MT vẫn đang tiếp tục thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của các doanh nghiệp chưa thực hiện đến hết ngày 14/6/2015, tổng số phí thu được gần 510 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Trong năm 2017, Đồng Nai đã tập trung cho công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý chất thải, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý theo quy hoạch; xử lý và kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, chăn nuôi..., từ đó góp phần hạn chế nguồn ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, nhất là quan trắc tự động liên tục để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường; luôn quan tâm công tác quan trắc các thành phần môi trường, kịp thời phản ánh chất lượng môi trường để các cấp chính quyền ra quyết định quản lý, công khai cảnh báo cộng đồng về chất lượng môi trường để có những biện pháp thích ứng phù hợp...
Ngoài ra, việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường đã được kiểm tra, giám sát thường xuyên; việc triển khai thực hiện dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng đã được đẩy mạnh, góp phần gìn giữ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở mức ổn định.
Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu
Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Năm 2018, Đồng Nai tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 185 ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 125 ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 để tập trung thực hiện.
Cụ thể, về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2018, Đồng Nai tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu: Thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%; chất thải nguy hại đạt 98%; chất thải công nghiệp không nguy hại đạt 100%; chất thải rắn sinh hoạt đạt 98%; tỷ lệ các KCN đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%; KCN có nước thải ổn định lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động đạt 100%...
Để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên của tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới về môi trường.
Song song đó, tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường năm 2018 theo Chương trình Liên tịch giai đoạn 2016 - 2020 đã được ký kết; triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học.
Mặt khác, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 833/KH-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; thực hiện Nghị quyết số 185/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục thực hiện phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chứng nhận khắc phục ô nhiễm, xử lý và tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với các cơ sở cố tình không khắc phục theo quy định.
Sở TN&NT Đồng Nai cũng tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai xử lý việc di dời các cơ sở có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiếp tục thực hiện các nội dung công việc theo phân công chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1631 ngày 04/6/2014 (di dời đợt 1) và Quyết định số 2572 ngày 12/8/2016 (di dời đợt 2).
Cùng với đó, theo dõi công tác bảo vệ môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung gắn với tái chế chất thải, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn các huyện theo quy hoạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các đô thị; giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và chất thải y tế.
Đồng thời, thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về thẩm định, phê duyệt các thủ tục môi trường; kiểm tra việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại của các đơn vị được cấp phép thu gom, xử lý chất thải nguy hại liên tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tiến độ xây dựng và vận hành các khu xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại theo quy hoạch, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt dưới 50%.
Ngoài ra, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị vay vốn, tiếp nhận, thẩm định và cho vay 100% các hồ sơ dự án đủ điều kiện thuộc đối tượng cho vay; cấp đủ 100% vốn vay theo tiến độ thực hiện của dự án; đảm bảo thu hồi nợ gốc các dự án đến kỳ trả nợ khoảng 18 tỷ đồng/30 dự án; tài trợ cho các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, được trích từ nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ Môi trường.
Mặt khác, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để ngăn ngừa, hạn chế tác động đến môi trường trên địa bàn tỉnh.