Bình Dương: Xây dựng Thành phố thông minh trong lĩnh vực môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 05/06/2018
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương đến tất cả các thành phần xã hội, làm cho người dân Bình Dương hiểu được các mục tiêu của kế hoạch dài hạn của Thành phố thông minh, chủ động lấy ý kiến góp ý xây dựng để tiếp tục bổ sung và cải tiến liên tục Đề án Thành phố thông minh…
Để triển khai thực hiện một số chương trình thiết thực, phù hợp với Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã xây dựng Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường đến năm 2030 với các nội dung cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng Bình Dương thành Thành phố có chất lượng môi trường sống tốt.
Xây dựng lộ trình thực hiện
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường, Bình Dương sẽ đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để kết nối công dân, doanh nghiệp với chính quyền; xây dựng và xử lý dữ liệu, tạo ra thông tin và kiến thức nhằm hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực môi trường.
Cũng với đó, nâng cao công tác phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm, kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường nếu có xảy ra, cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao điều kiện sống của người dân,.. từ đó, góp phần xây dựng Bình Dương thành Thành phố có chất lượng môi trường sống thân thiện.
Thực hiện Chương trình thực hiện Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường đến năm 2030, Sở TN&MT Bình Dương sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025, giai đoạn 3 từ năm 2026 đến năm 2030.
Trong đó, Bình Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành chung; lắp đặt trạm quan trắc không khí tự động và đầu tư mua sắm xe quan trắc không khí, khí thải, nước mặt, nước thải di động; mở rộng mạng lưới quan trắc nước mặt, nước ngầm; lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp tự động; xây dựng hồ chứa nước để thu gom, tái sử dụng nước thải đã xử lý; đào tạo nguồn nhân lực…
Đầu tư Trung tâm điều hành chung
Theo Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh trong lĩnh vực môi trường, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành chung trên cơ sở nâng cấp phần mềm và thiết bị trạm điều hành Trung tâm, đảm bảo kết nối các giai đoạn với nhau, kết nối các thành phần môi trường với nhau, kết nối với phần mềm hiển thị kết quả quan trắc môi trường, kết nối vào Trung tâm điều hành Thành phố thông minh của tỉnh.
Song song đó, thiết lập phần mềm hiển thị kết quả quan trắc môi trường để xử lý số liệu quan trắc các thành phần môi trường, trước khi tự động hiển thị trên các bảng hiển thị thông tin được lắp đặt tại các khu vực đông dân cư hoặc theo quy hoạch được phê duyệt. Phần mềm hiển thị này được thiết lập mới nhưng tích hợp kết nối được vào Trung tâm điều hành chung để thuận tiện vận hành, theo dõi, xử lý, chia sẻ dữ liệu và lập các báo cáo theo yêu cầu.
Bình Dương cũng sẽ lắp đặt bảng hiển thị thông tin kết quả quan trắc các thông số, như: nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ O2, COx, SOx, NOx, triều cường, triều kiệt và các cảnh báo (nếu có); vị trí lắp đặt là tại Trung tâm hành chính của tỉnh và cấp huyện,…; tần suất cập nhật thông tin 30 phút/lần. Xen lẫn giữa các lần phát kết quả quan trắc có thể kết hợp phát các thông tin tuyên truyền khác hoặc phát quảng cáo cho các doanh nghiệp có nhu cầu để tăng nguồn thu và tiết kiệm nguồn ngân sách.
Đồng thời, lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động để quan trắc các thông số môi trường không khí. Các thông số quan trắc sẽ được truyền về Trung tâm điều hành chung và thể hiện trên bảng hiển thị thông tin với tần suất cập nhật 30 phút/lần. Thông qua đó, giúp cho người dân có thông tin về chất lượng môi trường không khí của khu vực, của các khu - cụm công nghiệp, từ đó sẽ nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp.
Mua sắm trang thiết bị chuyên dụng
Theo Chương trình, Bình Dương sẽ đầu tư mua sắm 01 xe chuyên dụng để phục vụ công tác quan trắc không khí và khí thải tự động. Xe này được trang bị thiết bị quan trắc không khí xung quanh, thiết bị quan trắc khí thải tại nguồn tự động và tích hợp thang nâng phục vụ việc lấy mẫu khí thải trên ống khói. Và đầu tư mua sắm 01 xe chuyên dụng để phục vụ công tác quan trắc nước mặt, nước thải. Xe này được tích hợp các thiết bị lấy mẫu, quan trắc chất lượng nước online.
Xe chuyên dụng này còn được tích hợp phòng thí nghiệm trên xe để đảm bảo việc quan trắc liên tục chất lượng các kênh rạch, sông suối hoặc kiểm tra nguồn thải doanh nghiệp. Xe được di chuyển đến các khu vực hoặc các vị trí cần quan trắc nhưng chưa lắp đặt trạm quan trắc tự động cố định nhằm giải quyết các kiến nghị của người dân về môi trường hoặc thực hiện các nhiệm vụ về điều tra, lập báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ hoặc đột xuất.
Bình Dương cũng sẽ đầu tư cho việc lắp đặt thùng rác thông minh tại các khu vực đông dân cư, các trung tâm thương mại, các tuyến đường giao thông trọng điểm. Thùng rác thông minh với bộ cảm biến tự động có các tính năng, như: tự động đóng mở nắp, báo rác đầy, thùng có 2 ngăn với 2 màu sắc riêng biệt thống nhất để phân biệt rác hữu cơ và rác vô cơ, có ngăn lọc nước thải…
Và lắp đặt nhà vệ sinh công cộng thông minh tại các khu vực nêu trên. Nhà vệ sinh thông minh với bộ cảm biến tự động có các tính năng: đóng mở cửa tự động, cấp nước và dội nước tự động, khử mùi hôi và cấp khí sạch tự động,… Trên thùng rác thông minh và nhà vệ sinh thông minh có thể gắn tên hoặc hình ảnh của các doanh nghiệp có nhu cầu tài trợ để tăng nguồn thu và tiết kiệm nguồn ngân sách.
Mở rộng mạng lưới quan trắc
Cũng theo Chương trình, Bình Dương sẽ mở rộng mạng lưới quan trắc nước sông trên lưu vực sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính và các khu vực phát triển có sử dụng nước ngầm với lưu lượng lớn để đánh giá chất lượng nước, từ đó đưa ra các cảnh báo cho người dân, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng nguồn nước. Kết quả quan trắc nước sông và nước ngầm sẽ được truyền về Trung tâm điều hành chung và thể hiện trên bảng hiển thị thông tin với tần suất cập nhật 30 phút/lần.
Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp tự động để giám sát và kiểm soát chất lượng nước cấp, qua đó kịp thời cảnh báo cho chủ đầu tư và người dân trong việc cung cấp và sử dụng nguồn nước cấp đảm bảo an toàn, vệ sinh và đạt chất lượng quy định. Kết quả quan trắc được sẽ truyền về Trung tâm điều hành chung với tần suất cập nhật 30 phút/lần. Ngoài ra, xây dựng và ban hành quy định bắt buộc các nhà máy xử lý nước cấp phải lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp tự động.
Mặt khác, xây dựng các hồ chứa nước để thu gom nước thải đã xử lý, tận dụng nguồn nước này để tái sử dụng cho mục đích tưới cây xanh, rửa đường giao thông nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên; ban hành quy định yêu cầu xây dựng hồ chứa nước thải sau xử lý, quy định về hệ thống thu gom tái sử dụng nước thải. Đối tượng áp dụng tập trung vào các nhà máy xử lý nước thải đô thị, khu - cụm công nghiệp hoặc các nguồn thải có lưu lượng lớn.
Để vận hành hệ thống Trung tâm điều hành chung cần có những nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, năng lực làm việc tốt và cán bộ quản lý phải có trình độ liên quan đến lĩnh vực này. Do vậy, Bình Dương cũng sẽ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ của nhân viên đang vận hành hiện tại, có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và tuyển dụng, đào tạo thêm cho phù hợp với những nội dung của Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh trong lĩnh vực môi trường.
Hơn 468 tỷ đồng thực hiện Đề án trong lĩnh vực môi trường
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 là 468,006 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương là 160,006 tỷ đồng và nguồn kinh phí do các chủ đầu tư thực hiện là 308 tỷ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 1 là 44,396 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cũng là 44,396 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 189,97 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách là 55,77 tỷ đồng và nguồn vốn do các chủ đầu tư thực hiện là 134,2 tỷ đồng; giai đoạn 3 là 233,64 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách là 59,84 tỷ đồng và nguồn vốn do các chủ đầu tư thực hiện là 173,8 tỷ đồng.