Bình Dương: Sôi nổi Ngày hội môi trường lần IV năm 2018
Tin tức - Ngày đăng : 09:10, 04/06/2018
Khai mạc Ngày hội, ông Phạm Danh - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho biết: “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2018 được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Chương trình thường niên toàn cầu này nhằm nổ lực giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe con người.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Ngày hội môi trường lần IV năm 2018 với nhiều hoạt động đồng loạt có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, như: Triển lãm mô hình, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường; mô hình cổ động Lối sống Xanh, Ẩm thực Xanh; thực hiện các chuỗi hoạt động kêu gọi thu gom, phân loại rác thải nhựa để đổi chất thải lấy quà tặng.
Cùng với đó, tổ chức các lớp học giáo dục môi trường; hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; cuộc thi sáng tác video clip tuyên truyền về “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” gắn với bảo vệ môi trường… nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là các em học sinh, sinh viên hãy cùng nhau thay đổi thói quen trong cuộc sống, góp phần giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường.
Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển, thì nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tỉnh Bình Dương là rất lớn, trong đó phải kể đến là nguy cơ ô nhiễm môi trường do việc gia tăng chất thải rắn và các chất thải nhựa, nylon. Như báo cáo của Sở TN&MT hiện nay, tỷ lệ phân loại, thu gom và tái chế lượng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn rất thấp.
Nhận thức được vấn đề gia tăng ô nhiễm do chất thải rắn cũng như chất thải nhựa, thời gian qua Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa. như: Phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030; ban hành kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018 và hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm…
Cùng với nổ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nylon của cả nước “Nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng”, đồng thời nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, thay mặt Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đề nghị các ngành, các cấp chú trọng tiếp tục thực hiện các nội dung, như sau:
Đối với ngành TN&MT Bình Dương, cần tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, triển khai thực hiện tốt kế hoạch thí điểm về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, định kỳ tổng kết kết quả thực hiện và tiến dần tới việc triển khai nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh Bình Dương; tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển.
Và xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa giảm thiểu rác thải nhựa vào thiên nhiên; đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Đối với ngành Công thương, cần tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương các khu chợ truyền thống cắt giảm sử dụng nhựa, bao bì nylon trong hoạt động mua bán; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon; tăng cường sử dụng các sản phẩm bao gói từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon; sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã và thành phố, cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm về bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn vào các nhiệm vụ chính trị thường xuyên của đơn vị. Tỉnh đoàn là lực lượng xung kích, phát động phong trào “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần” và phân loại rác tại nguồn ngay tại các tổ chức đoàn trực thuộc và các hoạt động bảo vệ môi trường cộng đồng…
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, cần chú ý duy trì, lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn, tái chế tái sử dụng chất thải vào các nội dung giảng dạy và sinh hoạt tại các cấp học trong nhà trường, nhằm xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường ngay từ lứa tuổi học sinh, sinh viên, góp phần định hướng cho thế hệ tương lai về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
Riêng đối với cộng đồng dân cư, cần thực hiện tốt lối sống xanh, góp phần gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều phải làm ngay lúc này, ngay lập tức, đó là hạn chế hoặc dừng sử dụng nhựa 1 lần; sử dụng túi xách, giỏ dùng được nhiều lần khi đi mua sắm; thực hiện được điều này là đã giảm được 1 khối lượng lớn túi nylon thải ra môi trường mỗi năm; và nếu nhiều hơn nữa, những người xung quanh cũng cùng làm, số lượng rác giảm được sẽ vô cùng lớn.
Đối với doanh nghiệp, cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi bằng các hoạt động thiết thực; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng quá trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cũng tin tưởng rằng, với sự thống nhất hành động của toàn thể các ngành, các cấp của cộng đồng, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong công tác gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường..., Bình Dương tiếp tục và trở thành một đô thị sạch đẹp, văn minh.