Sơn La: Triển khai xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo 11 cụm
Tin tức - Ngày đăng : 14:19, 04/06/2018
Theo đó, các cơ sở y tế phát sinh chất thải rắn y tế nguy hại trên toàn tỉnh sẽ được phân thành 11 cụm theo địa giới hành chính để xử lý. Cụ thể, cụm xử lý số 1 tại thành phố Sơn La, đơn vị xử lý là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công suất 35-65kg/giờ, phạm vi xử lý là hơn 13 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Phong và Da liễu, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh…
10 cụm xử lý còn lại do Bệnh viện Đa khoa tại các huyện là đơn vị xử lý. Phạm vi xử lý là các cơ sở y tế trên địa bàn huyện như Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm y tế huyện, các trạm y tế thuộc huyện và các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện. Riêng cụm xử lý số 4, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đảm nhận xử lý cho các cơ sở y tế của cả 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ.
Các cơ sở được chỉ định xử lý theo cụm có trách nhiệm tự đầu tư trang thiết bị, công trình để thu gom, lưu giữ chất thải y tế phát sinh, có biện pháp xử lý theo quy định và hướng dẫn của Bộ TN&MT và Bộ Y tế.
Trong công tác phân loại chất thải rắn y tế nguy hại và thông thường phải thực hiện ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 1 lần/ngày. Riêng các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu 1 lần/tháng.
Các cơ sở y tế phải bố trí thiết bị, khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế không quá 2 ngày trong điều kiện bình thường. Với chất thải lây nhiễm vận chuyển từ cơ sở y tế khác về cơ sở được chỉ định xử lý theo mô hình cụm, phải ưu tiên xử lý trong ngày.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp Sở Y tế tiến hành thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại. Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông và phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở trên địa bàn.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong công tác quản lý chất thải y tế nguy hại và việc thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế về cụm xử lý. Người đứng đầu các cơ sở y tế phải phân công một lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và một khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở. Lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định.
Việc thực hiện thu gom,vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở y tế trong công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Từ đó, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.