Hậu Giang: Đẩy mạnh hoạt động ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên và môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 12:39, 30/05/2018

(TN&MT) - Đó là một trong những yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường diễn ra ngày 29/5 tại Hậu Giang. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng đi vào chiều sâu, một số công trình, dự án ứng phó với BĐKH đã phát huy tác dụng; việc quản lý tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
hg1
Hiện nay, hệ thống cống ngăn mặn cặp tuyến kênh Xáng Xà No đã được tỉnh Hậu Giang đầu tư tương đối hoàn chỉnh

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể đã triển khai thực hiện được 27 dự án hạ tầng thủy lợi về ứng phó với BĐKH; đề xuất 41 danh mục dự án về môi trường và BĐKH báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Để giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, tránh thiếu nước đầu và cuối vụ. Hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, nạo vét các tuyến kênh chính và kênh nội đồng, đắp đập thời vụ… luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo nước sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân khi mặn xâm nhập.

Trong công tác quy hoạch, đến nay tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành việc quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh quan tâm thực hiện theo kế hoạch, trong khoảng thời gian 5 năm (từ năm 2014 đến  năm 2018), tỉnh Hậu Giang đã thả gần 11 tấn thủy sản với 10 loài về tự nhiên với tổng kinh phí 543 triệu đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn tổ chức xây dựng các mô hình nuôi cá trong ruộng mùa nước nổi đã góp phần vào công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

hg2
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu đang được người dân Hậu Giang thực hiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng, thông qua các hình thức tuyên tuyền, nhận thức của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường được nâng lên; các đoàn thể và người dân mạnh dạn tham gia công tác giám sát, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống người dân, trong khi đó nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, hạ tầng ứng phó BĐKH, cải thiện môi trường của tỉnh còn hạn chế… là những vấn đề nan giải mà tỉnh đã và đang phải đối mặt trong thời gian tới..

Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho hay, mặc dù công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều dự án, mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với BĐKH, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; việc quản lý tài nguyên và môi trường đã có nhiều tiến bộ... song việc lồng ghép các nhiệm vụ, đề án ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển của địa phương còn khá khiêm tốn, có những công trình vừa hoàn thành đã lạc hậu, tình trạng sạt lở đất, thiếu nước do xâm nhập mặn vào mùa khô có khả năng xảy ra thường xuyên và diễn biến khó lường, ô nhiễm nguồn nước mặt có nguy cơ xảy ra trên diện rộng...

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng yêu cầu: Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia các hoạt động ứng phó BĐKH, bảo vệ tài nguyên  và môi trường, nhất là tài nguyên đất và nước. Tăng cường công tác chỉ đạo hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường và BĐKH phù hợp với thực tiễn và đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát các quy hoạch về quản lý tài nguyên và ứng phó với BĐKH để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh, đồng thời khi xây dựng kế hoạch thực hiện cần xác định rõ nguồn lực, các nhiệm vụ ưu tiên và phân kỳ đầu tư cụ thể, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ...

Song song đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang thực hiện tốt công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nguồn nước thải ra sông, kênh, rạch; đề xuất các biện pháp cải tạo, phục hồi khu vực bị ô nhiễm; tăng cường nguồn lực đầu tư trang thiết bị và công nghệ để phục vụ công tác dự báo tình hình BĐKH, góp phần bảo vệ sinh kế, tài sản của người dân...