Công bố kết quả quan trắc môi trường tỉnh Sơn La năm 2017
Tin tức - Ngày đăng : 15:51, 26/05/2018
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La cho biết: Năm 2017, Trung tâm đã tiến hành quan trắc 39 điểm môi trường nước mặt; 38 điểm môi trường không khí với tần suất 3 đợt/năm. 13 điểm môi trường nước dưới đất với tần suất 2 đợt/năm và 19 điểm môi trường đất, quan trắc 1 đợt.
Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí của tỉnh Sơn La năm 2017 diễn biến tương đối ổn định so với năm 2016. Các thông số cơ bản trong môi trường không khí như CO, NO2, SO2 đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Một số chất khí độc hại trong môi trường không khí xung quanh như H2S, Cl2 đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06:2009/BTNMT.
Qua 3 đợt quan trắc, các thông số gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là bụi và tiếng ồn tập trung phần lớn tại các khu vực ngã ba, ngã tư nơi giao nhau của các trục đường chính, bến xe, cổng chợ, cổng bệnh viện, nơi diễn ra các hoạt động thi công xây dựng lớn.
Về môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh có chất lượng còn khá tốt, với nhiều sông, suối, hồ nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nhưng cần áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Tuy nhiên, nước mặt có dấu hiệu ô nhiễm tại một vài vị trí quan trắc với một vài thông số. Theo đó, trong mùa mưa, nước mặt trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng khá lớn bởi các thông số TSS, độ đục. Đây cũng là nguyên nhân hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Tại một số điểm đã xuất hiện dấu hiệu bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng (Nitrit, BOD, Phospho, tổng dầu mỡ). Các vị trí vượt giới hạn cho phép đều là các vị trí có suối chảy qua các khu dân cư như thành phố Sơn La, thị trấn Hát Lót, xã Sốp Cộp, huyện Thuận Châu…
Bên cạnh đó, chất lượng nước còn bị ô nhiễm bởi hoạt động thi công xây dựng cũng như nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của cộng đồng dân cư. Điển hình như suối Nậm La chảy qua thành phố Sơn La, suối Nậm Pàn chảy qua thị trấn Hát Lót, suối Muội chảy qua thị trấn Thuận Châu. Một số vị trí quan trắc có kết quả kim loại nặng (Mangan, Asen và Thủy ngân) trong nước mặt vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên kết quả quan trắc diễn biến không ổn định vì vậy cần tiếp tục theo dõi để đánh giá chính xác chất lượng nước.
Chất lượng môi trường nước dưới đất, qua quan trắc, có 10/13 vị trí có thông số vượt giới hạn cho phép. Trong đó có điểm trung tâm huyện Yên Châu nước dưới đất có dấu hiệu ô nhiễm kim loại Mangan. Thị trấn Ít Ong, xã Pi Toong huyện Mường La; xã Nà Nghịu huyên Sông Mã có dấu hiệu ô nhiễm E.Coli. Đa số các vị trí quan trắc có dấu hiệu ô nhiễm Coliform.
Nguyên nhân dẫn đến nhóm thông số vi sinh vượt giới hạn cho phép tại một số vị trí nước dưới đất là do nước chủ yếu được lấy tại giếng nước của các hộ gia đình trong các khu dân cư, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày giếng không được che đậy, đường ống dẫn nước lâu ngày không được vệ sinh nên dẫn đến bị nhiễm khuẩn. Đối với vị trí nước dưới đất là mó nước có thông số Coliform vượt giới hạn cho phép cần tiếp tục theo dõi để đánh giá diễn biến.
Về chất lượng môi trường đất, cho thấy môi trường đất chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Song, một số điểm có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng. Cụ thể, thông số kim loại Asen vượt giới hạn cho phép tại 09/19 vị trí. Thông số Đồng vượt giới hạn cho phép tại 02/19 vị trí, Kẽm vượt giới hạn cho phép tại 1/19 vị trí. Theo thời gian sẽ tích tụ trên lớp đất mặt làm đất bị chai xấu, thoái hóa, không canh tác tiếp tục được.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát chỉnh sửa bổ sung một số điểm quan trắc tại “Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sơn La đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xây dựng các hệ thống quan trắc môi trường tự động để sớm phát hiện được các dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng môi trường.
Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch, không chặt phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ các loài thú quý hiếm, không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật đã bị nhà nước cấm sử dụng. Khuyến khích các hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, các hộ dân chăn nuôi áp dụng hệ thống biogas xử lý phân và chất thải trước khi xả thải vào môi trường.
Đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về xả thải, đảm bảo nước thải, khí thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường tương ứng trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của các cơ sở để giảm tải áp lực đối với môi trường nước mặt và môi trường nước dưới đất trên toàn tỉnh.