Vụ cá chết trắng sông Bàu Giang: Không tìm được thủ phạm chính
Tin tức - Ngày đăng : 08:16, 21/05/2018
Ông Huỳnh Ngọc Quận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin cá chết trắng sông Bàu Giang, UBND huyện phối hợp với Công an huyện, Phòng Cảnh sát Môi trường và Trung tâm Trắc địa & Quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa điểm có xuất hiện tình trạng cá chết là sông Bàu Giang, suối Ba Đơn, kênh Chính Nam để lấy mẫu nước phân tích.
Dọc tuyến sông Bàu Giang, đoạn xảy ra cá chết hàng loạt hiện có 3 cơ sở sản xuất tinh bột sắn và 1 cơ sở sản xuất dăm tre. Theo kết quả phân tích, các thông số như nhu cầu oxy sinh hóa (BOD); nhu cầu oxy hóa học (COD) hay hàm lượng amoni trong nước đều vượt giới hạn quy chuẩn cho phép nhiều lần. Nhất là mẫu nước tại cơ sở sản xuất tinh bột mì của ông Lê Văn Lợi (tại vị trí kênh Chính Nam, thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận) có thông số BOD cao hơn quy chuẩn cho phép là 870 mg/lit; chỉ số COD cao hơn 1088mg/lit. Đây có thể là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sống của sinh vật trong môi trường nước.
“Về nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất dọc sông Bàu Giang xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt. Còn thủ phạm vẫn không xác định được cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm. Chúng tôi kiểm tra 4 cơ sở nhưng cũng không đủ điều kiện kết luận cơ sở nào là thủ phạm chính. Bởi muốn chỉ đích danh cơ sở nào phải bắt quả tang nhưng các cơ quan chức năng không bắt được quả tang nên không kết luận được", ông Quận khẳng định.
Theo Đại úy Huỳnh Tú, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ngày đoàn kiểm tra theo dấu hiệu cá chết đi ngược dòng nên việc thu mẫu ngày hôm đó không khách quan, bởi các dấu hiệu không còn nữa.
Cũng theo ông Quận, 4 cơ sở bị kiểm tra chủ yếu vi phạm về đất đai và môi trường như hệ thống xử lý nước thải không làm đúng theo hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường hoặc chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất theo Luật Bảo vệ môi trường 2014. UBND huyện đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động và tiến hành lập thủ tục xử phạt hành chính 4 cơ sở này.
Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Điền, Nghĩa Trung và Nghĩa Kỳ tăng cường việc giám sát các cơ sở trên cho đến khi được UBND đồng ý cho phép hoạt động trở lại. Lãnh đạo của UBND 4 xã phải chiu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp các cơ sở này hoạt động “chui” gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực.
“"Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo phòng TN-MT và UBND các xã tiến hành rà soát, nếu cơ sở nào không đủ giấy phép cho ngừng hoạt động, cơ sở nào có phương án bảo vệ môi trường nhưng không thực hiện đúng phương án sẽ tiến hành xử lý theo quy định", ông Quận nói.
Trước đó, như Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, trong các ngày 29-30/4/2018, trên sông Bàu Giang, đoạn từ thị trấn La Hà đến các các xã Nghĩa Điền (dài khoảng 10 km) xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Nhiều đoạn sông, cá lớn, cá bé chết nổi "trắng" mặt sông.
Được biết, ngoài tình trạng cá chết cuối tháng 4/2018 vừa qua, năm 2017, cũng ở đoạn sông Bàu Giang nói trên xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Nhưng sau khi chính quyền địa phương điều tra cũng không xác định được thủ phạm gây ra cá chết.