Lào Cai: Tăng cường quản lý nguồn gen động, thực vật quý hiếm
Tin tức - Ngày đăng : 15:44, 18/05/2018
(TN&MT) - Ngày18/5, tại thành phố Lào Cai, Ban quản lý dự án ABS, Bộ TN&MT phối hợp với Sở TN&MT Lào Cai tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực và nâng cao nhận...
(TN&MT) - Ngày18/5, tại thành phố Lào Cai, Ban quản lý dự án ABS, Bộ TN&MT phối hợp với Sở TN&MT Lào Cai tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về sử dụng bền vững nguồn gen và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Lào Cai được Bộ TN&MT lựa chọn là tỉnh thí điểm thực hiện dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nogoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án ABS). Dự án chính thức được khởi động trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ tháng 8/2017. Đến nay, dự án đã triển khai được một số hoạt động, đó là, điều tra, khảo sát phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen tỉnh Lào Cai; thí điểm thực hiện mô hình quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền khu vực rừng (cộng đồng) tại thôn Tả Chải, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai).
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các nguồn gen động, thực vật đặc hữu và quý hiếm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh Lào Cai mới có 9 loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm được tiến hành hoạt động bảo tồn nguồn gen, đó là, Lúa Chăm pét Văn Bàn, Lúa Khẩu Nậm xít Bắc Hà, Lúa Séng cù Mường Khương, cây Táo Mèo, cây Tam Thất Hoang, cây Bách Tán (Đài Loan), Địa Lan(Sa Pa), Lợn Đen( Mường Khương) và Ngựa Bắc Hà.
Điều đáng quan ngại là hiện nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là khu bảo tốn nguồn gen động, thực vật lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai và có tầm quan trọng trên phạm vi toàn quốc lại đang phải chịu áp lực rất lớn từ cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi, có hoạt động chặt gỗ, đốt rừng làm nương, săn bắt động vật trái phép. Thêm nữa, hoạt động du lịch sinh thái tự phát cũng đang tác động mạnh đến tài nguyên sinh thái trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, khiến nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm đứng trước nguy cơ bị suy giảm và có thể bị tuyệt chủng.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tiến hành thảo luận làm rõ hơn thực trạng công tác quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai; thông tin về một số văn bản trong công tác quản lý đa dạng sinh học triển khai trên địa bàn tỉnh; nghe đại diện ban tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2017/NĐ – CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; chia sẻ mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào C.
Dự án ABS sẽ được triển khai tới năm 2020, với mục tiêu góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam.