Lai Châu: Thay thế cây xanh trên các tuyến phố, cần sự ổn định, bền vững

Tin tức - Ngày đăng : 20:56, 15/05/2018

(TN&MT) – Chia tách và thành lập giữa 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu năm 2004, đến nay chưa được 3 nhiệm kỳ. Nghĩa là tỉnh Lai Châu vừa tròn 14 “tuổi”. Nếu lấy mốc từ năm đó, thì các cây xanh ở một số tuyến phố của Lai Châu thì chưa đến tuổi cỗi, dễ chưa thể đội vỉa hè và tán cũng chưa thể rợp hết cả con đường 58m rộng thênh thang. Nhưng để đồng bộ hơn về chủng loại cây xanh tại các tuyến phố, tỉnh Lai Châu có chủ trương thay thế và bổ sung một loạt các cây xanh khác cho hợp mỹ quan, an toàn và theo tiêu chí đô thị loại 2.
Một góc Thành phố Lai Châu hôm nay (Ảnh: Tạp chí Công nghiệp tiêu dùng)
Một góc Thành phố Lai Châu hôm nay (Ảnh: Tạp chí Công nghiệp tiêu dùng)

Tại buổi Họp báo ngày 8/5, ông Lương Chiến Công, Chủ tịch UBND, TP. Lai Châu, cho biết: Hiện tại các tuyến phố của tỉnh Lai Châu có nhiều chủng loại cây khác nhau, người dân tự ý mang về trồng, không đáp ứng mĩ quan đô thị, làm hư hỏng một số công trình công cộng và một số cây xanh như: sấu, xà cừ, sữa, bằng lăng, phượng và một số cây ăn quả khác đang làm hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng trên mặt đất, dưới lòng đất và cả trên không.

Để thống nhất về chủng loại cây trồng, đồng thời đáp ứng yêu cầu về mặt mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và hợp vệ sinh môi trường, hạn chế hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng, hiệu quả quản lý, bảo vệ cây xanh, cây cảnh đô thị phù hợp với định hướng phát triển và quy hoạch chung của thành phố, tạo sức hút thúc đẩy và phát huy lợi thế du lịch... Theo đó, UBND TP. Lai Châu đã chỉ đạo triển khai trồng thay thế bổ sung cây xanh với sống lượng 1.214 cây, gồm các loại: Long não, muỗm, ban, anh đào, kèn hồng, phong lá đỏ, lát và cây viết tại các tuyến đường Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh, đường Thanh Niên, đường Trần Phú, Đại lộ Lê Lợi và khuôn viên hợp khối của thành phố. Dự kiến thời gian tới, TP. Lai Châu sẽ trồng bổ sung và thay thế khu khuôn viên Tượng đài Bác Hồ, đường 58m và phía sau nhà hợp khổi của tỉnh... Được biết, đây là chủ trương lớn của tỉnh, người dân sống trên địa bàn phần lớn là tán thành và cũng có ý kiến không tán thành.

Tại đây, nhiều phóng viên, nhà báo quan tâm đến vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi dành cho người đứng đầu TP. Lai Châu xoay quanh việc các tuyến phố Lai Châu sẽ thay thế và trồng bổ sung một loạt cây xanh trong thời gian tới.

Phóng viên Khánh Kiên, Báo Lai Châu đặt vấn đề: “Liệu đây có phải là lần thay thế cây xanh cuối cùng của tỉnh không? Hay chỉ vài năm sau không phù hợp lại thay thế?” Trước câu hỏi này, đội ngũ phóng viên, nhà báo có mặt trong buổi họp báo không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Nghĩa là, cơ sở biện chứng cho việc thay thế và trồng bổ sung cây xanh tại các tuyến phố Lai Châu chưa thuyết phục, chưa ai đứng ra quả quyết lần thay thế cây xanh của thành phố này là lần sau cuối; phù hợp với quy hoạch thành phố bao nhiêu năm hay nhiều thập kỷ (?!)

Tại đây, ông Lương Chiến Công, Chủ tịch UBND TP. Lai Châu, cho biết: Trước khi đưa các loại cây xanh và các loài hoa vào trồng, UBND TP. Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu chọn lựa các loại cây phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quy hoạch cây xanh đô thị gắn với phát triển du lịch trong tương lai của thành phố. Cử cán bộ chuyên môn đi tham quan các tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài về kinh nghiệm quản lý đô thị cũng như trồng cây xanh để chọn lựa các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển chung đô thị.

Theo đó, các chủng loại cây trồng bổ sung được lựa chọn là những cây thân thẳng, tán rộng bốn mùa xanh tươi, rễ ăn sâu, có mùi hương nhưng không gây độc hại như: Long não, muỗm, hoa ban, hoa anh đào, kèn vàng, kèn hồng, phong lĩnh, muồng hoàng yến, viết, sao đen, điệp vàng và một số loại cây cảnh trổ hoa như: Đỗ quyên, mua tím, dâm bụt, hoa giấy... góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị. 

Giống cây sẽ được các nhà thầu nhập từ những địa phương có đặc điểm khí hậu tương đồng như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp) và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng đối với giống cây hoa anh đào phải nhập về từ đất nước Nhật Bản.

Có thể nói, việc thay thế và trồng bổ sung cây xanh tại các tuyến phố Lai Châu là rất thiết thực. Thiết thực thì hẳn là thiết thực, nhưng thiết thực gì thì cũng phải nhìn vào thực lực của Lai Châu. Các tuyến phố ấy sẽ trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn chỉ khi đời sống của người dân nơi đây no ấm, an sinh xã hội được đảm bảo. Các công trình lớn nhỏ của thành phố mang tầm nhìn chiến lược dài hơi, kể cả việc thay thế một cây xanh. Các nhà báo chúng tôi rất sợ vài năm sau Lai Châu lại họp báo để thay thế cây xanh hoặc một vài công trình nào tương tự, lãng phí tiền của Nhà nước mà hiệu quả lại không cao. Điều trăn trở này xin dành lại cho lãnh đạo của tỉnh Lai Châu.