Kon Tum: Dự án quản lý rác thải ngừng hoạt động, lãng phí tiền tỉ
Tin tức - Ngày đăng : 16:07, 09/05/2018
(TN&MT) – Dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” với vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng tại tỉnh Kon Tum đã ngừng hoạt động và bị bỏ hoang vì không có kinh phí phục vụ vận hành, gây lãng phí và để lại sự tiếc nuối cho người dân địa phương trên địa bàn về kỳ vọng ban đầu khi dự án xây dựng.
Năm 2011, dự án Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo được đầu tư xây dựng tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) với vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên Hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP), tổ chức hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam (ENDA) và nguồn vốn đối ứng của thành phố Kon Tum.
Cuối năm 2012, dự án hoàn thành. Theo đó, một phân xưởng sản xuất phân hữu cơ được xây dựng với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra sản phẩm là khoảng 300 – 500kg phân compost. Dự án này được đánh giá cao về tính hữu ích của nó trong việc bảo vệ môi trường địa phương và tạo kỳ vọng giúp một bộ phận người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để vận hành hệ thống này, rác thải đầu vào của phân xưởng phải là rác thải hữu cơ, được phân loại trước khi đưa vào nhà máy. Đây cũng chính là khó khăn và là lý lo khiến phân xưởng ngừng hoạt động sau hơn 2 năm vận hành.
Theo ông Nguyễn Đình Chương – Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum, ban đầu khi phân xưởng đi vào hoạt động, đơn vị tài trợ có phân bổ kinh phí cho việc phân loại rác thải tại nguồn và để duy trì hoạt động của phân xưởng. Tuy nhiên, sau đó thì không còn viện trợ nữa, phân xưởng gặp khó khăn vì rác thải không được phân loại trước khi đưa vào nhà máy nên phải dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Chương cho biết: Phân xưởng dừng hoạt động là do rác thải không được phân loại tại nguồn, người dân không có thói quen phân loại rác trong khi hoạt động tuyên truyền không thường xuyên và không có chế tài nào để gắn trách nhiệm của người dân vào việc này.
“Sản phẩm sau khi xử lý rác là phân compost không được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng phân bón nên không có giấy phép để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, chi phí phân loại rác thải quá cao. Nếu 300 – 500 kg phân compost sản xuất ra được tiêu thụ hết thì cũng không đủ kinh phí để vận hành hệ thống xử lý này”, ông Chuyên cho hay.
Do đó, khi dự án không được nhận được viện trợ, Công ty Môi trường đô thị không có kinh phí để phục vụ hoạt động của dự án thì phân xưởng này cũng dừng hoạt động đến nay. Qua hơn 3 năm bị bỏ hoang, phân xưởng luôn trong trạng thái khóa cửa, xung quanh phân xưởng cỏ mọc um tùm, các hạng mục công trình đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, một lượng rác thải lớn bên ngoài vẫn chưa được xử lý, nằm lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy, từ một dự án được kỳ vọng rất nhiều nay lại phải bỏ hoang vì không có kinh phí để hoạt động, gây lãng phí. Thiết nghĩ, nếu người dân có ý thức phân loại rác thải và sản phẩm đầu ra sau xử lý rác được sử dụng hợp lý, hiệu quả thì dự án này đã có một hướng đi và không bị “chết yểu”…