Sóc Trăng: Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác BVMT
Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 09/05/2018
(TN&MT)- Nhằm cụ thể hóa quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của đại diện cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng rất chú trọng đến việc phát huy vai trò bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư và bước đầu đạt được nhiều kết quả.
Mặc dù người dân là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động từ các nguồn chất thải của nhà máy sản xuất, nhưng họ lại không có được những thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;…Từ đó người dân luôn trong tư thế bị động, không thể giám sát được công tác bảo vệ môi trường của công ty, doanh nghiệp cũng như phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xuất phát từ thực trạng này, trong thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm hướng dẫn các địa phương tổ chức thành lập Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại các điểm nóng về môi trường, các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường nhằm kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nhanh chóng, chính xác; phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng thông tin, từ năm 2015 đến nay, Sở đã thành lập được 05 Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại các điểm nóng về môi trường như: kênh 8 Thước, Phường 2, TP. Sóc Trăng; khu vực KCN An Nghiệp, huyện Châu Thành; khu Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề; Tổ cộng đồng dân cư Khóm 4 và Tổ cộng đồng dân cư Khóm 7, Phường 2, TP. Sóc Trăng; Tổ cộng đồng dân cư ấp Phụng Hiệp và Tổ cộng đồng dân cư ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Sau khi thành lập, Tổ cộng đồng dân cư được cung cấp thông tin môi trường, tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của chủ dự án,... "Sau một thời gian được thành lập, các Tổ cộng đồng dân cư đã có sự đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn,... góp phần giúp cho cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường..."- Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, chú trọng lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; dự án phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, tiếp thu những ý kiến hợp lý để hạn chế tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng trước khi thẩm định.
Bên cạnh đó, Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ tài nguyên và môi trường cho cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, tổ chức hội thảo hoặc lồng ghép vào những sự kiện như ngày Môi trường thế giới 5/6, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, … để từ đó phổ biến kiến thức trong bảo vệ môi trường, tạo cơ hội khuyến khích cộng đồng phát huy các sáng kiến, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở cơ sở.
Trong thời gian vừa qua nhiều cử tri lo lắng về ô nhiễm môi trường khi Nhà máy Nhiệt điện Long Phú đi vào hoạt động. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng đã đến khảo sát thực tế các công trình xử lý chất thải như: hệ thống xử lý bụi, xử lý khí thải, bãi tro xỉ cũng như thu thập thông tin thực tế và công tác quản lý của địa phương đối với vấn đề môi trường phát sinh từ Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Đây là những thông tin rất hữu ích giúp cho tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới quản lý môi trường phát sinh từ Nhà máy Nhiệt điện Long Phú được tốt hơn. Đồng thời làm cơ sở để định hướng cho địa phương trong việc thành lập các Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại khu vực xung quanh Nhà máy Nhiệt điện Long Phú.