Đà Nẵng: Triển khai chương trình “Đại dương không nhựa”, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Tin tức - Ngày đăng : 18:42, 21/04/2018
(TN&MT) - Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang đe doạ hệ sinh thái biển trên phạm vi toàn cầu. Theo ước tính trong vòng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển...
(TN&MT) - Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang đe doạ hệ sinh thái biển trên phạm vi toàn cầu. Theo ước tính trong vòng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi và nếu chúng ta không hành động kịp thời thì vào năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 4 trong nhóm những quốc gia thải nhiều rác thải nhựa ra biển nhất.
Đà Nẵng là thành phố biển phát triển kinh tế dựa vào du lịch, do đó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó nguồn tài nguyên biển được quan tâm hàng đầu. Dự án "Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh" nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành "Thành phố Xanh và Thông minh". Qua đó, đóng góp cho mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Quản lý Chất thải rắn tại Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để Chiến lược này có thể thành công, đòi hỏi phải có các quy định và chính sách tốt cũng như sự thay đổi hành vi và sự tham gia tích cực của mọi công dân, mọi doanh nghiệp trong công tác phân loại, tái chế rác thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.
Ngày 20/4/2018, Trung tâm Nghiên cứu Môi Trường và Cộng đồng Việt Nam (CECR) phối hợp cùng UBND quận Thanh Khê và UBND quận Sơn Trà tổ chức Lễ ký kết hợp tác “Xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức và thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt tại quận Thanh Khê và quận Sơn Trà”.
“Đà Nẵng được xem như là lá cờ đầu của cả nước về phong trào thu gom và phân loại rác thải do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động. Từ đó, CECR quyết định chọn Đà Nẵng để triển khai Dự án” - Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR nhấn mạnh. Đơn vị hành chính được chọn duy nhất tại Việt Nam là Đà Nẵng với 2 quận được thụ hưởng từ chương trình: Thanh Khê và Sơn Trà.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình này nằm trong gói viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cung cấp gần 250.000 USD. Trọn gói viện trợ bao gồm các chi phí quản lý như: Thực hiện mô hình ở 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà, thực hiện nghiên cứu về hiện trạng ô nhiễm tại biển Đà Nẵng, thực hiện 2 Diễn đàn chính sách về quản lý rác thải rắn và sẽ thực hiện 1 buổi tọa đàm với Báo chí, in ấn tài liệu và bài học điển hình từ Dự án, chi phí cho Điều phối viên của chương trình…
Chương trình triển khai thí điểm tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê với kinh phí hơn 535 triệu đồng trên phạm vi toàn quận. Tại quận Sơn Trà thực hiện với kinh phí trên 400 triệu đồng. Chương trình được thực hiện trong vòng 1 năm và sẽ kết thúc vào tháng 3/2019.