Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều điểm nóng về ô nhiễm chất thải được lên kế hoạch để giải quyết

Tin tức - Ngày đăng : 14:37, 22/04/2018

(TN&MT) - Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do xả thải, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về công tác quản lý, BVMT. Trong đó,...

 

(TN&MT) - Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ô nhiễm môi trường từ rác thải là vấn đề nóng, tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do xả thải, ngày 23-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về công tác quản lý, BVMT. Trong đó, yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT cho người dân; xử lý dứt điểm các “điểm nóng” về môi trường.
 

2


DÂN XẢ RÁC VÔ TỘI VẠ

Đứng từ kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu), nhìn vào phía trong bờ là những dãy nhà lụp xụp do người dân tự cơi nới ra kênh. Nhìn vào hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nhuồn (sống ở hẻm 195 Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu), chị Nhuồn đang nuôi 10 con heo đang ở tầm 16-17kg/con. Toàn bộ lượng nước thải từ hoạt động chăn nuôi heo của gia đình chị Nhuồn được thải xuống kênh. Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày chị cũng thải xuống kênh Bến Đình. Phía trước nhà chị Nhuồn là những hộ gia đình làm nghề đi ghe, tàu đang giặt lưới… và đổ nước xuống kênh.

Dưới kênh, chiếc ghe máy của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị TP. Vũng Tàu (VESCO) chạy dọc từ sông Dinh đi về cảng Sao Mai – Bến Đình vừa di chuyển vừa phát loa tuyên truyền yêu cầu người dân sống ven kênh và sống trên ghe tàu đưa rác lên các bãi thu gom trên bờ. Vậy nhưng, đủ thứ rác thải nổi lềnh bềnh trên dòng nước đen ngòm. 20 công nhân VESCO chèo ghe, vớt rác liên tục nhưng vẫn không vớt hết. Ở những điểm góc, rác bị sóng đánh dạt vào nên rác tích tụ càng nhiều rác. Anh Vũ Hồng Bằng, tổ trưởng tổ vớt rác kênh Bến Đình cho biết: “Mặc cho chúng tôi tuyên truyền, kêu gọi nhưng những người sống trên ghe, tàu và phía sau nhà dân mọi thứ rác thải vẫn cứ được tống thẳng xuống kênh. Ngoài ra, kênh Bến Đình còn phải hứng chịu hàng chục tấn nước thải mỗi ngày từ nước sinh hoạt của người dân, từ hoạt động chăn nuôi và súc rửa tàu thuyền”.
 

3


Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Tổng giám đốc Công ty VESCO cho biết, để khắc phục một phần ô nhiễm trên kênh Bến Đình, năm 2010, UBND TP. Vũng Tàu đã giao cho công ty thực hiện việc thu gom rác trên kênh, sau đó đưa vào tập kết trên bờ, chờ ráo nước rồi đưa lên xe chuyên dụng chở về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina (huyện Tân Thành). Theo ước tính, lượng rác thải thu gom được trên kênh trung bình 7-8 tấn/ngày. Riêng từ mùng 9 đến 18 (âm lịch) ghe không đi đánh bắt hoặc những thời điểm ghe vào tránh trú bão thì lượng ghe tàu có khi lên đến cả ngàn chiếc nên lượng rác thải phát sinh cũng tăng đột biến, khoảng 10-12 tấn/ngày.

Có mặt tại bãi biển khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), mùi hôi thối từ nước thải bốc lên nồng nặc. Hơn 20 năm qua, bãi biển này là nơi tích tụ rác thải và nước thải từ hoạt động chế biến thủy sản của khoảng 50 trại cá xung quanh nên mọi người vẫn quen gọi đó là “ao Hải Hà”. Mặc dù, huyện Long Điền đã nhiều lần ra quân dọn dẹp nhưng hiện nay ao Hải Hà vẫn ngập ngụa các loại rác thải: thùng xốp, chai nhựa, túi ni lông… Sinh sống ở đây được hơn 20 năm, ông Tiêu Đình Hậu (63 tuổi) cho biết: “Nhiều lúc ao nhuộm đỏ bởi nước thải ra từ các trại cá và các loại rác thải. Người dân cực khổ nhất là lúc nước cạn, nước thải không thoát đi được, mùi hôi của rác và nước thải càng nồng nặc hơn nên chúng tôi chỉ biết suốt ngày đóng cửa để hạn chế mùi hôi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục”.

Không chỉ các khu vực ven biển, trên kênh, tình trạng rác thải vứt bừa bãi cũng diễn ra khá phổ biến tại khu vực ven biển trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), trong đó tập trung tại vị trí mà dự án du lịch đã nhiều năm không triển khai, không có rào chắn và quản lý. Điển hình như tại Dự án sân golf và dịch vụ Hương Sen (thuộc khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải). Mỗi dịp cuối tuần, nơi đây tập trung khá nhiều khách du lịch tự do ăn uống rồi xả rác ra môi trường. Rác không chỉ để bừa bãi trên tuyến đường ven biển mà bên trong khu vực này cũng la liệt các túi ni lông, vỏ nhựa, đồ ăn thừa…  
 

5


VÌ SAO CHƯA XỬ LÝ DỨT ĐIỂM ĐƯỢC?

Theo Sở TN-MT, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 761 tấn rác thải sinh hoạt trong đó tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng rác thải bừa bãi vẫn xảy ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ các khu du lịch đến các kênh, mương, ao hồ… Qua thời gian, nhiều nơi đã tạo thành những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường về rác thải.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, qua rà soát, Sở đã xác định hàng chục “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong số đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền)… được Sở TN-MT xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục trong giai đoạn 2018-2020. Trước đó, những khu vực này đã có các đề án khắc phục ô nhiễm. Nhưng hàng chục năm qua, tình trạng ô nhiễm ở những khu vực này vẫn chưa được triển khai khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo ông Hải, các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường trên chưa được triển khai nguyên nhân chính là do chưa có kinh phí. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, DN và người dân về BVMT còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở các “điểm nóng” ngày càng “nóng” hơn.

Cụ thể, dự án nạo vét, làm kè kênh Bến Đình là một trong những dự án khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được UBND tỉnh phê duyệt quyết định từ năm 2002 nhưng đến nay dự án này vẫn “án binh bất động” nên kênh Bến Đình hàng ngày vẫn phải oằn mình chịu hàng chục tấn chất thải xả ra kênh mỗi ngày. Ông Nguyễn Tiến Trung, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Quản lý dự án chuyên ngành Giao thông (Sở GT-VT) cho biết, ban tiếp nhận dự án này từ TP. Vũng Tàu để làm chủ đầu tư từ ngày 28-9-2016. Theo đó, chủ trương của UBND tỉnh là chuyển dự án nạo vét kênh Bến Đình từ hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh thành dự án đầu tư bằng hình thức BT. Nghĩa là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông phải lập một dự án hoàn toàn mới so với dự án mà năm 2002 UBND tỉnh đã phê duyệt. “Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai. Hiện Ban đã đăng ký với UBND tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án này”, ông Trung nói.
 

o nhiem moi truong 6


Trong khi đó, tại các KDL, các khu dân cư chất thải cũng đang tràn lan. Nếu không có kế hoạch xử lý thì trong tương lai những khu vực này sẽ trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm. Ông Trần Thanh Huyền, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, địa phương sẽ phối hợp với đơn vị môi trường thu gom toàn bộ rác thải khu vực ven biển tại 8 khu phố trên địa bàn thị trấn, sau đó sẽ giao trách nhiệm cho khu phố quản lý. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng.

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do xả thải, ngày 23-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về công tác quản lý, BVMT. Trong đó, yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT cho người dân; xử lý dứt điểm các “điểm nóng” về môi trường. Trước đó, tháng 1-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020 nhằm khắc phục chất lượng môi trường tại một số khu vực đang bị ô nhiễm. Trong đó có 19 dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này gồm: Dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo với công suất xử lý 20 tấn/ngày; Dự án cải tạo kênh Bến Đình; Dự án đầu tư hạ tầng 2 khu chề biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền và TP Vũng Tàu để di dời các cơ sở chế biến hải sản… Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 8.255,28 tỷ đồng.