Thanh Hóa: Triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 00:58, 17/04/2018

(TN&MT) - Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác BVMT được nâng lên, đưa thành nội dung quan trọng vào Chương trình hành động, Nghị quyết đại hội Đảng...
(TN&MT) - Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác BVMT được nâng lên, đưa thành nội dung quan trọng vào Chương trình hành động, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, hình thành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, Chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững giữa Sở TN&MT với các Sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Thanh Hóa; công tác BVMT đã được lồng ghép với việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa nơi công cộng. Nhờ đó, ý thức về BVMT được nâng lên rõ rệt.
 
Qua đó, người dân đã đấu tranh, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường; công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên; các điểm nóng về môi trường, điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý triệt để; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, góp phần quan trọng trong việc hạn chế ô nhiễm và từng bước cải thiện chất lượng môi trường ở một số khu vực trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Đoàn công tác Sở TN&MT Thanh Hóa làm việc với huyện Lang Chánh về công tác quản lý nhà nước về BVMT
Đoàn công tác Sở TN&MT Thanh Hóa làm việc với huyện Lang Chánh về công tác quản lý nhà nước về BVMT
Cũng với những mặt tích cực, công tác BVMT cũng gặp nhiều khó khăn, do sự tăng trưởng về kinh tế cùng với sự gia tăng dân số, kéo theo sự gia tăng lượng chất thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…trong khi lượng chất thải rắn, nước thải còn chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải, nước thải nhưng không có hệ thống thu gom và xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường hoặc có đầu tư các công trình BVMT nhưng không vận hành thường xuyên. Bên cạnh đó, có những cơ sở lén lút chôn ngầm cống để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường… đã và đang gây ra nhiều bức xúc đối với người dân.
 
Trước thực trạng đó, Sở TN&MT Thanh Hóa đã tham mưu trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 18/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách cần ưu tiên và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân vào công tác BVMT. Đây cũng là cơ sở để các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, góp phần phát triển bền vững.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Xưởng chế biến đá ốp lát trên địa bàn huyện Yến Định
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại  Xưởng chế biến đá ốp lát trên địa bàn huyện Yến Định
Hàng năm, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch khoảng 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề án BVMT… Thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra, đã kết hợp tuyên truyền pháp luật về BVMT, hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện các thủ tục về môi trường, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, đầu tư các công trình xử lý chất thải và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
 
Trong năm 2017, Sở TN&MT đã xử phạt và kiến nghị xử phạt  đối với 20 cơ sở, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động của 1 cơ sở thời gian 3 tháng. Đến nay, các cơ sở đã cơ bản khắc phục các tồn tại về BVMT theo kết luận kiểm tra của Sở TN&MT.
 
Với phương châm “phòng ngừa là chính”, ngay trong các tháng đầu năm 2018, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch làm việc với địa phương. Theo đó, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình về việc quản lý sử dụng đất, công tác BVMT, hoạt động khai thác khoáng sản tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện, thị xã và TP nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT.
 
Trên cơ sở làm việc và kiểm tra thực tế, Sở đã đề nghị các huyện, thị xã và TP cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn. Đồng thời, xác định hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh