Xây dựng trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tin tức - Ngày đăng : 10:15, 12/04/2018

(TN&MT) - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo kỹ thuật “Xây dựng Trung tâm vùng đồng bằng...

(TN&MT) - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo kỹ thuật “Xây dựng Trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tham vấn về thiết kế dự án, đảm bảo chức năng của Trung tâm về phục vụ quá trình ra quyết định của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố vùng dự án và cơ quan nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì hội thảo.

ah 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (giữa) chủ trì hội thảo

Tiểu dự án “Xây dựng Trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ TN&MT làm chủ đầu tư, thuộc hợp phần 1 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Tiểu dự án này đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt hồi tháng 10/2017.
Theo ông lê Minh Trân, Giám đốc Ban quản lý Tiểu dự án, Tiểu dự án được đầu tư tại thành phố Cần Thơ với tổng mức hơn 15 triệu USD. Mục tiêu nhằm xây dựng Trung tâm vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu đa ngành, từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, đầu tư phát triển manh mún, thiếu thống nhất và liên kết, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn của các cấp, các ngành trên địa bàn. Từ đó, đồng bộ hóa các tài liệu thuộc vùng ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Giới thiệu về dự án, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp với các lĩnh vực, Bộ ngành và địa phương thu thập, cập nhật, cung cấp và chia sẻ dữ liệu. Sản phẩm bao gồm hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về lưu trữ, tính toán, quản lý, chia sẻ và cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến; cơ sở dữ liệu tích hợp đã được chuẩn hóa với độ tin cậy cao, cập nhật thường xuyên và đồng bộ trên toàn vùng ĐBSCL; cổng thông tin điện tử làm môi trường chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến cho người dùng. Bên cạnh đó, sẽ có hệ thống các bản tin, báo cáo chuyên đề, tổng hợp cung cấp thông tin và CSDL cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các bên liên quan và cộng đồng, phục vụ các hoạt động thích ứng BĐKH trên địa phương và toàn vùng.

anh 2
Ông Lê Minh Trân, Giám đốc Ban quản lý dự án Xây dựng Trung tâm vùng ĐBSCL phát biểu tại hội thảo

Về cơ chế hoạt động, ông Trân khẳng định, Trung tâm không làm thay công tác điều tra cơ bản của các đơn vị quản lý ngành khác mà chỉ tổng hợp, nghiên cứu dữ liệu, phân tích thành những dữ liệu chung theo yêu cầu của các bên. Theo ông Trân, vấn đề cần giải quyết hiện nay là xây dựng thể chế quy định của các cấp có thẩm quyền về cơ chế hoạt động, vận hành cho trung tâm; các quy định về việc cung cấp, chia sẻ khai thác, sử dụng CSDL của Trung tâm giữa các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là làm sao đảm bảo tính pháp lý của dữ liệu.

Tại hội thảo, đại diện đến từ một số tổ chức quốc tế đã trình bày kinh nghiệm triển khai một số mô hình tương tự trên thế giới và những kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam. Các đại biiểu là đại diện các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, các viện khoa học, trường đại học đã cùng trao đổi, thảo luận để hoàn thiện phạm vi của Tiểu dự án và điều khoản tham chiếu tư vấn thiết kế dự án, đảm bảo sự kết nối rõ ràng chức năng của Trung tâm nhằm phục vụ các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố vùng dự án và cơ quan nghiên cứu về sản phẩm và sự đóng góp của quá trình ra quyết định.

Đánh giá cao về bản báo cáo nghiên cứu khả thi của tiểu dự án, bà Diji Chandrasekharan Behr, Chuyên gia kinh tế cao cấp về tài nguyên của WB cho rằng, trong giai đoạn thiết kế, tiểu dự án cần đảm bảo giải quyết được những khó khăn về nguồn nhân lực, thể chế, chi phí trước khi quyết định về cấu trúc, tính năng của trung tâm vùng. Phía WB cam kết hợp tác chăt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam để đảm bảo có một thiết kế tiêu dự án tốt nhất.

ảnh 3
Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, việc xây dựng Trung tâm vùng ĐBSCL là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của đất nước và góp phần triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh các dự liệu, số liệu còn rời rạc ở các trung tâm dữ liệu của các Bộ, ngành, Trung tâm ĐBSCL sẽ làm nhiệm vụ đầu mối, chuẩn hóa dữ liệu theo thể chế, quy định thống nhất và cung cấp phục vụ công tác quản lý, giải quyết những vấn đề mang tính tổng hợp. Thứ trưởng kỳ vọng Trung tâm sẽ là  nơi kết nối các viện nghiên cứu, các trung tâm dữ liệu trong và ngoài vùng ĐBSCL, làm cơ sở tin cậy cho việc ra các quyết định phát triển bền vững.

Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý dự án phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội thảo, nhanh chóng thiết kế kĩ thuật cho dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đạt tiến độ đã đề ra. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ TN&MT sẽ xây dựng thể chế cho Trung tâm, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chuẩn xử lý và tổng hợp số liệu, dự liệu… đồng thời, có lộ trình đưa Trung tâm phục vụ từng bước từ thấp đến cao. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực theo thời gian, đặc biệt là tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận các tiến bộ công nghệ.