Thạch Thất, Hà Nội: Dân khốn khổ vì nhà máy xử lý nước thải không hoạt động?

Tin tức - Ngày đăng : 14:11, 13/04/2018

(TN&MT) – Mặc dù có hẳn một nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp nhưng những năm trở lại đây, người dân ở thôn Phú Ổ (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà...
(TN&MT) – Mặc dù có hẳn một nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp nhưng những năm trở lại đây, người dân ở thôn Phú Ổ (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) phải hứng chịu cảnh ô nhiễm do nguồn nước thải của cụm công nghiệp được xả trực tiếp ra môi trường.
 
Thông tin từ người dân thôn Phú Ổ (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh tới báo TN&MT cho biết, vài năm trở lại đây, nước thải của cụm công nghiệp Bình Phú A (xã Bình Phú) vẫn xả trực tiếp ra môi trường mặc dù UBND huyện đã đầu tư xây dựng hẳn một nhà máy xử lý nước thải tập trung.
 
Nhằm làm rõ thông tin nêu trên, PV báo TN&MT đã xuống trực tiếp địa phương để tìm hiểu. Quan sát bên ngoài PV nhận thấy, khu xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Bình Phú A có diện tích khoảng hơn 200 m2. Hệ thống máy móc đã được lắp đặt hoàn chỉnh, đường ống, bể xử lý có vẻ đã hoàn thiện từ lâu. Đằng sau nhà máy, có một hệ thống máng gom nước nước thải từ khu công nghiệp để đấu nối vào. Tuy nhiên thời điểm PV có mặt, nhà máy không hoạt động.
nha may xu ly nuoc thai bo hoang 1
Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp Bình Phú, xã Bình Phú
Trao đổi với PV, bác Nguyễn Văn Thảo (thôn Phú Ổ, xã Bình Phú) bức xúc cho biết: “Cụm công nghiệp này hình thành từ những năm 2000 và nước thải từ các nhà máy tại đây đều xả thải trực tiếp ra mương nội đồng của chúng tôi. Nhà tôi có 1 sào lúa ở ngay sát cụm công nghiệp nhưng phải bỏ hoang từ nhiều năm nay do nguồn nước ô nhiễm không cấy cày được. Nếu cố cấy thì lúa cũng bị táp hết, hạt lúa bị lép không thu hoạch được”.
 
Việc cụm công nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường trong nhiều năm đã gây bức xúc lớn trong đời sống nhân dân. Bác Thảo cho biết thêm: “Những ruộng lúa bên cạnh nếu có cấy cũng không đạt năng suất cao. Hơn nữa, hạt gạo có màu đen, có mùi lạ chứ không có mùi thơm như bình thường. Thế nên chúng tôi không dám ăn mà làm thức ăn chăn nuôi. Một số hộ thì bỏ hoang không cấy, một hộ thì đào thành luống cao rồi trồng cây ăn quả”.
 
Được biết, người dân thôn Phú Ổ đã nhiều năm liền kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương để phản đối thực trạng trên. Đầu năm 2015, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức lễ khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Bình Phú với số tiền đầu tư gần 5 tỷ đồng.
nha may xu ly nuoc thai bo hoang 2
Dù người ta đã xây mương gom nước thải nhưng nhiều ruộng sát cạnh vẫn bỏ hoang do nguồn nước ô nhiễm
Theo tìm hiểu của PV, nhà máy xử lý nước thải của cụm công nghiệp này dự kiến sử dụng hệ thống thiết bị xử lý nước thải bằng công nghệ NanoFe và các công trình phụ trợ với công suất 600m3/ngày đêm, đạt cột A - QCVN 40:2011/BTNMT, quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Nghe thì có vẻ rất hoàng tráng nhưng ở thời điểm hiện tại, mặc dù nhà máy xây xong đã lâu nhưng theo phản ánh từ người dân thì nó vẫn chưa được vận hành. Nước thải từ cụm công nghiệp Bình Phú A vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Tại thời điểm PV có mặt, nhà máy không có người trông nom, nhìn giống như một công trình bỏ hoang.
 
Nhằm làm rõ thông tin nêu trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Phú. Ông Hải cho biết: “Sau khi bà con có ý kiến và báo chí phản ánh, chúng tôi đã xây mương gom nước ở đằng sau cụm công nghiệp để dẫn về nhà máy xử lý nước thải rồi. Trước đó thì đúng là cụm công nghiệp có xả thải gây ảnh hưởng tới môi trường nhưng chúng tôi đã tiếp thu ý kiến từ người dân và báo chí. Trước Tết, chúng tôi đã cho xây dựng mương gom nước để dẫn về nhà máy xử lý nước thải. Hiện nhà máy hoạt động thường xuyên, ngày 2 lần (sáng – tối) để đảm bảo không cho nguồn nước chưa qua xử lý xả thải ra môi trường”.
 
Ấy nhưng, theo quan sát của PV thì vẫn còn khá nhiều ruộng ngay sát cụm công nghiệp bỏ hoang do vấn đề ô nhiễm chưa được xử lý triệt để. Vậy thì việc xây mương gom nước thải đã thực sự hiệu quả chưa? Và nhà máy xử lý nước thải nêu trên có hoạt động thường xuyên, ngày 2 lần như vị chủ tịch xã phát biểu?

Báo TN&MT sẽ thông tin tới bạn đọc./.