Đà Nẵng: Phát hiện tảo giáp là nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển ở bãi biển Nguyễn Tất Thành

Tin tức - Ngày đăng : 18:12, 10/04/2018

(TN&MT) - Trong ngày 25/3/2018 tại khu vực biển ven đường Nguyễn Tất Thành từ cửa sông Phú Lộc đến bãi biển Xuân Thiều xuất hiện vệt nước màu vàng đen khi sóng đánh vào bờ để lại lớp bọt trên bờ biển. Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc khảo sát, lấy mẫu và tìm hiểu thông tin để xác định hiện tượng trên. Trên cơ sở kết quả khảo sát và tham khảo các nghiên cứu liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về việc ô nhiễm nước biển ở bãi biển Nguyễn Tất Thành.
Tảo giáp là nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển ở bãi biển Nguyễn Tất Thành
Tảo giáp là nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển ở bãi biển Nguyễn Tất Thành

Theo đó, diễn biến hiện tượng trong ngày 25/3/2018, nước biển ven bờ khu vực Nguyễn Tất Thành xuất hiện màu vàng, đen có chiều dài khoảng 05km, bề rộng khoảng 300-500, khi sóng tấp dòng nước đen vào bờ để lại những mảng bọt màu vàng, có mùi hôi. Tình trạng này xảy ra lúc sáng sớm kéo dài đến khoảng 14h chiều, sau đó nước biển ven bờ bắt đầu nhạt màu, giảm bọt và nước trong trở lại. Từ ngày 26/3 đến nay nước biển tại khu vực Nguyễn Tất Thành đã trong trờ lại bình thường, không có dấu hiệu bất thường.

Kết quả quan trắc, phân tích chất lượng nước biển ven bờ và quan trắc sinh học lúc nước biển đổi màu (ngày 25/3) và lúc nước trở lại bình thường (ngày 26/3)cho thấy cả hai thời điểm trên không xảy ra ô nhiễm dinh dưỡng. Thông số NH4đáp ứng QCVN 10-MT:2015 BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Riêng thông số tổng chất rắn lơ lửng tại vị trí đối diện nhà hàng Hưng Gia Trần ngày 25/3 vượt quy chuẩn cho phép (TSS vượt 1,32 so với QCVN 10-MT:2015 BTNMT.

Về xác định các loài tảo, tại thời điểm quan trắc 02 mẫu thu được ngày 25/3 do Trung tâm Quan trắc TN&MT thực hiện đã phát hiện loài tảo giáp Tripos fucar. Báo cáo của Sở TN&MT cho biết, theo http://www.e-pages.dk/ku/1294/ chưa được ghi nhận là có khả năng sinh độc tố nhưng có thể gây hiện tượng nở hoa với sinh khối lớn gây thiệt hại thông qua tác động gián tiếp như giảm nồng độ oxy, có thể gây hại tới các loài sinh vật thủy sinh khác  như: gây nghẹt mang cá do suy kiệt nhanh nguồn oxy trong nước.

Do ảnh hưởng của việc tảo nở hoa (liên tục trong hai năm 2017, 2018 trên vùng biển Đà Nẵng: tháng 2/2017 tại ven biển Sơn Trà; tháng 3/2018 tại vịnh Đà Nẵng) sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thủy sinh nói chung, quần xã thực vật phù du nói riêng và đến phát triển du lịch của thành phố. Để có cơ sở cho việc cảnh báo sớm nhằm chủ động ứng phó giảm thiểu các tác hại gây ra do tảo nở hoa trong khu vực biển Đà Nẵng, cũng như chủ động cung cấp thông tin kịp thời có cơ sở khoa học cho các cơ quan báo chí, Sở TN&MT Đà Nẵng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao Sở Khoa học và Công nghệ tuyển chọn đơn vị có chuyên môn nghiên cứu thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá hiện tượng nở hoa của vi tảo, xác định nguyên nhân chết của đối tượng thủy sinh khu vực ven biển Đà Nẵng và đề xuất biện pháp phòng ngừa”.