Sơn La tăng cường phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai

Tin tức - Ngày đăng : 21:50, 25/03/2018

(TN&MT) –  UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 21/3/2018 về việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai, bão lũ trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường.
a1 40
Các tổ chức đoàn thể tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu vực bị thiệt hại do lũ quét tại huyện Mường La, Sơn La tháng 8/2017.

Công tác phòng ngừa sự cố môi trường được triển khai với 8 nội dung chính. Gồm: Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên; tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Trong đó, tỉnh Sơn La kiên quyết không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, đầu nguồn cấp nước, trong hành lang bảo vệ nguồn nước… Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất dong, sắn, cà phê trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản. Ban hành quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các địa phương nơi khai thác khoáng sản. Triển khai áp dụng các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tự quản, tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường như hương ước, quy ước bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, bản, tổ dân phố. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhằm phát huy tối đa mội nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ môi trường, góp phần khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, phát triển bền vững…

Trong công tác ứng phó với lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, chủ động trực ban nghiêm túc theo dõi sát diễn biến mưa lũ; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, chủ động sơ tán nhân dân hạ du hồ chứa... Sau mưa lũ, tuyên truyền, huy động người dân tổ chức quét dọn, vệ sinh theo phương châm “Nước rút đến đâu các hộ gia đình vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh đến đó”; khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, cấp phát cho người dân các loại thuốc phòng, chữa bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp và các loại bệnh phát sinh khác do ô nhiễm môi trường sau thiên tai, sự cố môi trường…

a2 29

UBND tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm các quy định về cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Chủ trì tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ra sự cố môi trường để có biện pháp phòng ngừa; báo cáo UBND tỉnh, Bộ TN&MT danh sách các cơ sở có nguy cơ cao gây sự cố môi trường để phối hợp giám sát; tăng cường thanh, kiểm tra, quan trắc môi trường theo hướng thường xuyên, nghiêm ngặt hơn với các đối tượng có nguy cơ cao gây sự cố môi trường.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Đài KTTV khu vực Tây Bắc và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, bổ sung thiết bị, mạng lưới các trạm đo mưa, trạm đo mực nước trên địa bàn, phục vụ việc thông tin cảnh báo kịp thời, chủ động phòng chống, ứng phó đạt hiệu quả.

UBND các huyện, thành phố xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố môi trường do thiên tai, bão lũ trên địa bàn. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn, đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và nhà nước. Xây dựng kế hoạch hàng năm về tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thích nghi, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Việc triển khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai, bão lũ, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, tổ chức và mọi tầng lớp cá nhân trên địa bàn tỉnh. Góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi các sự cố môi trường gây ra, sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố môi trường. Từng bước xây dựng lực lượng nòng cốt, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường xảy ra. Tăng cường hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành để tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.