Quảng Nam: Khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường tại xã Tam Lãnh

Tin tức - Ngày đăng : 18:56, 21/03/2018

(TN&MT) - Sau sự cố vỡ đập bãi thải của Công ty 6666 tràn ra môi trường làm cá chết hàng loạt trên sông Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), UBND tỉnh Quảng...
(TN&MT) - Sau sự cố vỡ đập bãi thải của Công ty 6666 tràn ra môi trường làm cá chết hàng loạt trên sông Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Tam Lãnh.
Cá chết trên sông Bồng Miêu
Cá chết trên sông Bồng Miêu
Ô nhiễm môi trường do nhiều nguồn thải
Vài ngày qua, nhiều hộ dân thôn Bồng Miêu và Trà Sung (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) hết sức lo lắng trước tình trạng cá chết hàng loạt và nước sông Bồng Miêu (chảy qua địa bàn 2 thôn) bốc mùi hôi thối.
 
Theo người dân, ô nhiễm bắt nguồn từ sau sự cố vỡ bờ đập chứa nước thải xử lý quặng của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 đã tuồn ra sông Bồng Miêu gây nên.
 
Trước đó, vào tối ngày 16/3, đập chứa nước thải của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 có trụ sở tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị vỡ. Hàng trăm mét khối nước thải, bùn non chạy xuống sông Bồng Miêu. Đến sáng 17/3, người dân phát hiện nước sông bốc mùi hôi thối và tá hỏa khi chứng kiến cá chết hàng loạt (phần lớn là cá rô phi).
 
Ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt nghi do ô nhiễm từ nước thải của Công ty 6666, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Môi trường miền Trung - Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Phòng PC 49 - Công an tỉnh Quảng Nam kết hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã có chuyến thực tế hiện trường vụ vỡ đập tại Công ty 6666.

Kết quả, khu vực hồ chứa quặng sau tuyển của xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì tại khu vực Suối Trang có 2 vị trí của bờ hồ có dấu hiệu bị vỡ. Theo đó, một vị trí có độ rộng khoảng 5m, chiều dài 3m và cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước tại 2 vị trí này để phân tích, đánh giá. Ngay thời điểm khảo sát, đoàn kiểm tra không quan sát thấy hiện tượng cá chết. Khu vực đập thải tạm thời của công ty có diện tích khoảng 2ha, hiện chứa khá lớn khối lượng chất thải từ nhà máy tuyển của Công ty 6666 thải ra. Đập thải bị đào xới nham nhở và có một ít khối lượng quặng thải chưa được vận chuyển.
Người dân cho rằng sự cố vỡ hồ chứa nước thải của công ty 6666 là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt
Người dân cho rằng sự cố vỡ hồ chứa nước thải của công ty 6666 là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt
Theo kết luận của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân cá chết tại khu vực suối Trang chảy ra sông Bồng Miêu có nhiều nguồn thải, trong đó bao gồm các hoạt động khai thác vàng trái phép (của người dân) và có cả nguồn nước thải của Công ty 6666.
 
Tuy nhiên, kết luận cũng chỉ ra, Công ty 6666 đã không thực hiện đúng các yêu cầu của UBND tỉnh như không thực hiện việc dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải và hoạt động vận chuyển, tuyển, chế biến quặng đuôi tại bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu… xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì ở khu vực Suối Trang và xưởng chế biến tận thu kim loại vàng ở khu vực Hố Lò 5 để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Việc Công ty 6666 sử dụng biện pháp phá bờ đập để kéo xe gây ra hiện tượng nước từ trong đập thải chảy ra sông là không đúng quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng nhân dân.
 
“Đến thời điểm hiện tại, vấn đề ô nhiễm do nước thải gây ra trên sông Bồng Miêu đã cơ bản được xử lý. Toàn bộ cá chết đã được vớt lên. Theo mẫu phân tích ban đầu, hiện tượng cá chết hàng loạt là do 2 nguồn thải, một là vỡ đập của công ty 6666 và ô nhiễm từ trên xả xuống”- ông Bùi Văn Ba Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam) khẳng định.
Tình trạng khai thác vàng trái phép là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Bồng Miêu
Tình trạng khai thác vàng trái phép là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Bồng Miêu
Thực tế, dòng sông Bồng Miêu bị ô nhiễm nặng nề tình trạng khai thác vàng trái phép nhiều năm qua. Hàng trăm người chở quặng ra bờ sông để lấy nước đãi vàng; dùng cyanua để tách, sau đó xả nước thải xuống sông. Do vậy, sông Bồng Miêu ngậm hóa chất độc và bùn đỏ quanh năm.
 
Xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép 
 
Trên cơ sở báo cáo của Sở TN&MT, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gởi các cơ quan chức năng về việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.
 
Theo đó, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Công an tỉnh, Sở TN&MT, xã Tam Lãnh có trách nhiệm khẩn trương tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý ngay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, đặc biệt khu vực sông Bồng Miêu và Đồi Sim, xã Tam Lãnh.
Sông Bồng Miêu đục quanh năm do hoạt động khai thác vàng trái phép
Sông Bồng Miêu đục quanh năm do hoạt động khai thác vàng trái phép
Xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản vàng trái phép; tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc Công ty 6666 dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu và hoạt động vận chuyển, tuyển, chế biến quặng đuôi tại bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu, xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì ở khu vực Suối Trang và xưởng chế biến tận thu kim loại vàng ở khu vực Hố Lò 5 theo đúng chỉ đạo của Bộ TN&MT…
 
Công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Phú Ninh tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực xã Tam Lãnh; tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đồn Công an xã Tam Lãnh đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý trong thời gian qua, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép.
 
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty 6666 thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ TN&MT; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước thải và báo với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý và chỉ đạo.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan và địa phương giám sát việc chấp hành pháp luật của Công ty 6666, báo cáo UBND tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.