Lặng thầm nữ dự báo viên

Tin tức - Ngày đăng : 12:26, 18/03/2018

(TN&MT) – 25 năm gắn bó với nghề, gắn với công việc “đo mưa, đếm gió”, bằng khen từ Bộ Tài và Môi trường năm 2017 là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến lặng thầm của nữ dự báo viên chính Trần Thị Phương Hoa tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên.
Chị Trần Thị Phương Hoa, trong giờ làm việc tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên
Chị Trần Thị Phương Hoa, trong giờ làm việc tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo ngành khí tượng. Ngay từ bé chị Trần Thị Phương Hoa, Dự báo viên chính của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, đã biết và đam mê về ngành khí tượng thủy văn. Sau khi lớn lên, chị Hoa đã chọn cho mình ngành “đo mây, đếm gió” để theo đuổi đam mê và gắn bó.

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp cán bộ khí tượng thủy văn, chị Hoa vào công tác tại trạm khí tượng Tam Kỳ - Đà Nẵng. Sau đó 2 năm, chị quay về học đại học tại Hà Nội, rồi lên Sơn La làm công tác quản lý. Và từ năm 2000 đến nay, chị đã và đang gắn bó với công việc lặng thầm của mình trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Do đặc thù của ngành, việc thức khuya dậy sớm là chuyện rất bình thường, nhất là đối với các Dự báo viên và Quan trắc viên khí tượng. Họ phải theo dõi thường xuyên và cập nhật tình hình thời tiết liên tục để có những biện pháp xử lý kịp thời khi có trường hợp thời tiết xấu xảy ra. Công việc quan trắc không cho phép chậm trễ. Các thông số đo hàng giờ về lượng mưa, tốc độ gió, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất khí quyển… phải được tổng hợp, kịp thời cập nhật về Đài khí tượng khu vực theo quy định

Hà Thuận Chị Trần Thị Phương Hoa, trong giờ làm việc tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên

Chị Hoa chia sẻ: “Đặc thù của cái ngành này là phải bám trạm, mà các trạm lại nằm tại nơi heo hút, đường xá đi lại khó khăn. Bám trạm nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ ở, để khi nào cũng có người canh và đo đạc số liệu. Mà cái nghề này cũng rất “ngược đời”, những lúc người ta cần phải trốn ông trời nhất thì lại là những khi chúng tôi phải chạy ra để đo mưa, đếm gió. Nhiều lúc, trời sấm chớp đì đùng, đi ra kiểm tra lều khí tượng một mình, mà tim cứ đập thình thịch.”

Không ít lần, chị Hoa nhận thấy sự vất vả khi áp lực công việc luôn đặt lên vai. Bởi có theo nghề mới biết được sự vất vả, khó khăn mà phải yêu nghề lắm mới “bám trụ” được. Khi kể về cái trạm đã trở thành kỉ niệm khó quên nhất mà chị Hoa như rớm nước mắt: Đó là quãng thời gian bám tại trạm khí tượng Tam Đường – Lai Châu. Thời điểm những năm 95 - 96, con đường lên trạm Tam Đường chỉ là một lối mòn của người dân đi làm nương rẫy. Nói là trạm, nhưng lúc đó chỉ là căn nhà cấp IV xuống cấp; nước sinh hoạt không có, bể để nước mưa thì thủng, muốn có nước phải thuê người dân thồ bằng ngựa. Trạm cách chợ chỉ 2 cây số, nhưng mỗi lần xuống chợ cũng phải mất vài tiếng, cho nên đi chợ sắm đủ thức ăn cho cả tuần, rồi khệ nệ tay xách, nách mang, vác lên đỉnh đồi.

Hà Thuận Chị Trần Thị Phương Hoa, trong giờ làm việc tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên

Tuy làm nghề "đo mưa, đếm gió", nhưng tính chất công việc lại đòi hỏi họ luôn cẩn thận, tỉ mỉ bởi những con số, tình trạng thời tiết luôn đòi hỏi chính xác, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Những người con khí tượng cũng như những bác sĩ, dù không kê đơn, bốc thuốc nhưng cũng đo khám để “bắt bệnh” buồn vui của… ông Trời. Dù không ồn ào, hối hả như bao nghề khác, nhưng nó đòi hỏi ở họ đức hy sinh, sự tận tụy để vượt qua áp lực, hiểm nguy. Để có một bản tin dự báo thời tiết phát sóng, phía sau đó là một chuỗi công việc thầm lặng của những người làm khí tượng thủy văn.

25 năm gắn bó với nghề, chị Hoa giờ đây như một cái đồng hồ báo thức. Dù thời tiết thế nào, dù sức khỏe ra sao, cứ đến cữ giờ ấy là chị lại tự động lấy sổ sách và đi ra vườn khí tượng ghi chép số liệu. Quen đến mức nó như ăn vào máu, chẳng cần nhìn lại đồng hồ nữa thì cũng vẫn khi khít thời gian. 25 năm cũng là khoản thời gian không hề ngắn đủ để chị Hoa trải qua những cung bậc thăng trầm cuộc đời bởi công việc quan trắc đã khó, và càng khó hơn đối với một người phụ nữ...

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên chia sẻ: 2 năm liền(2015, 2016), chị Hoa được tặng dang hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở do Trung tâm Khí tượng thủy văn cấp. Năm 2017, chị Hoa được Bộ tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen. Đó là thành quả cho những nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cá nhân chị Hoa trong quá trình làm việc tại Đài.