Điện Biên: Giải pháp nào cho bài toán bảo vệ rừng Mường Nhé?

Tin tức - Ngày đăng : 23:11, 11/03/2018

(TN&MT) - Câu chuyện giữ rừng ở Mường Nhé đã trở thành điểm nóng trong một vài năm gần đây do tình trạng di dịch cư tự do vào địa bàn. Để giải quyết tình trạng...
(TN&MT) - Câu chuyện giữ rừng ở Mường Nhé đã trở thành điểm nóng trong một vài năm gần đây do tình trạng di dịch cư tự do vào địa bàn. Để giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do, ngày 22/2/2017, Kế hoạch 420/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên được ban hành, từ đó công cuộc bảo vệ rừng Mường Nhé có bước chuyển mới.
Tình trạng phá rừng Mường Nhé tiếp tục diễn biến phức tạp
Tình trạng phá rừng Mường Nhé tiếp tục diễn biến phức tạp
Ngày 1/3/2017, Kế hoạch 420 của UBND tỉnh Điện Biên được triển khai, với gần 500 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, trong đó nòng cốt là Công an tỉnh, đã được tăng cường vào huyện Mường Nhé. Thành lập 7 tổ công tác với các địa bàn trọng điểm được xác định: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé… Công việc đầu tiên là xác định số dân di cư tự do, ngăn chặn tình trạng di cư tự do mới vào huyện; ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép và tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
 
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé, chia sẻ: Sau khi có Tổ công tác 420, trên địa bàn huyện Mường Nhé, tình trạng phá rừng trái phép cơ bản đã được ngăn chặn. Các điểm nóng về tình trạng phá rừng không còn tiếp diễn, những điểm rừng bị phá được quản lý chặt chẽ không để người dân tự ý sản xuất...
 
Thực tế cho thấy, Kế hoạch 420 đã thực sự mang lại hiệu quả ngăn chặn tình trạng phá rừng và di cư tự do. Thế nhưng, đến nay, Kế hoạch 420 đã kết thúc, điều mà những người giữ rừng Mường Nhé lo ngại là sau khi các lực lượng, các tổ công tác của Kế hoạch 420 rút lui, thì đơn vị nào sẽ tiếp quản công cuộc giữ rừng Mường Nhé vẫn còn dang dở?
Công cuộc giữ rừng Mường Nhé vẫn còn nan giải
Công cuộc giữ rừng Mường Nhé vẫn còn nan giải 
Bởi lẽ, trong năm 2017, Mường Nhé vẫn xảy ra 159 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 143 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá trên 142ha. Điều đó cho thấy, tình trạng phá rừng trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hầu hết các vụ việc phá rừng chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm 2017, trước khi Kế hoạch 420 được triển khai.
 
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Ngay sau khi các tổ công tác của Kế hoạch 420 rút lui, UBND huyện Mường Nhé sẽ thành lập các tổ phản ứng nhanh gồm khoảng 40 người, có mặt tại các điểm nóng về tình trạng phá rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái phép. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát và kiểm đếm rừng, phân loại rừng trên địa bàn huyện, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý.
 
Có thể thấy, nạn di cư tự do chính là nguyên nhân dẫn đến những cánh rừng Mường Nhé bị xâm hại nghiêm trọng. Công cuộc giữ rừng Mường Nhé sẽ chỉ vơi bớt nỗi lo khi và chỉ khi tình trạng di cư tự do được ngăn chặn, quản lý chặt chẽ.