Thừa Thiên Huế: Giám sát đặc biệt việc gây ô nhiễm ở các cơ sở giấy, nhựa

Tin tức - Ngày đăng : 09:18, 08/03/2018

(TN&MT) - Cụm Công nghiệp (CN) Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất giấy, nhựa... gây ô nhiễm môi trường kéo...
(TN&MT) - Cụm Công nghiệp (CN) Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất giấy, nhựa... gây ô nhiễm môi trường kéo dài; chính vì thế UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương giám sát đặc biệt...
Tình trạng ô nhiễm ở các nhà máy, cơ sở sản xuất giấy, nhựa... ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương vẫn tái diễn
Tình trạng ô nhiễm ở các nhà máy, cơ sở sản xuất giấy, nhựa... ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương vẫn tái diễn
Đánh giá hiện trạng môi trường
 
Theo tìm hiểu của PV, một số cơ sở sản xuất giấy, nhựa... đã hoạt động tại Cụm CN Thủy Phương gần 20 năm nay. Các cơ sở này nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu khắc phục song tình trạng ô nhiễm vẫn cứ thế tái diễn.
 
Trước tình hình đó, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra văn bản yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác giám sát đặc biệt về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường, việc khắc phục đối với các cơ sở gây ô nhiễm.
 
Sau đó, Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã tiến hành lấy mẫu phân tích để đánh giá hiện trạng môi trường tại 2 cơ sở thu mua và sản xuất giấy là Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý (cơ sở Như Ý) và Công ty TNHH MTV sản xuất giấy Huy Tiến (cơ sở Huy Tiến).
 
Kết quả phân tích mẫu về khí thải tại 2 ống khói lò hơi 6 tấn/giờ và 2 tấn/giờ của cơ sở Như Ý cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ. Riêng 2 thông số cacbon oxit (CO) và bụi tổng của mẫu lấy tại ống khói lò hơi 2 tấn/giờ vượt lần lượt 1,3 lần và 1,32 lần so với quy chuẩn.
 
Các thông số về mẫu đất được lấy tại cơ sở Như Ý như: Asen (As) và tổng Crom (Cr) đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất (đối với đất công nghiệp). Riêng các thông số: Cadimi (Cd) vượt 7,69 lần, Chì (Pb) vượt 1,62 lần, Đồng (Cu) vượt 1,73 lần, Kẽm (Zn) vượt 3,78 lần so với quy chuẩn nêu trên...
Bên trong một cơ sở sản xuất giấy tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương
Bên trong một cơ sở sản xuất giấy tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương
Còn cơ sở Huy Tiến tách từ cơ sở Như Ý và thành lập khoảng 1 năm nay. Tuy mới nhưng qua kiểm tra lấy mẫu phân tích về khí thải tại ống khói lò hơi 12 tấn/giờ được cho là mới đầu tư vẫn có thông số CO vượt 1,78 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, cột B.
 
Khắc phục sớm...
 
Hiện bình quân mỗi ngày, cơ sở Như Ý thu mua khoảng 30 tấn giấy và cơ sở Huy Tiến khoảng 6 tấn giấy để sản xuất ra sản phẩm giấy thô, giấy lau cho các quán ăn, giấy làm vàng mã... phục vụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo lý giải của các cơ sở, đặc thù đây là ngành nghề tái chế phế liệu, nên bản thân nguồn nguyên liệu nhập vào đã là chất thải. Để đảm bảo một số thông số liên quan đến đất, nước mặt đạt quy chuẩn là rất khó. Tuy nhiên, các cơ sở cũng cam kết thu dọn vệ sinh, giữ vệ sinh công nghiệp khu vực nhà xưởng trong quá trình sản xuất.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Nghiêm - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý cho hay, ngay sau Tết Mậu Tuất, đơn vị đã cho máy múc san ủi, mở rộng mặt bằng để thay thế lò 2 tấn đã lâu năm bằng công nghệ lò đốt 6- 8 tấn/giờ từ vải vụn theo đúng quy định, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
 
“Riêng lượng vải vụn trên địa bàn tỉnh mỗi ngày thải ra khoảng 80 tấn. Nếu áp dụng công nghệ tái tạo năng lượng từ vải vụn để làm chất đốt thì không chỉ giảm lượng lớn rác thải chôn lấp mà còn giúp thay thế, tiết kiệm các nguồn nhiên liệu chất đốt khác như than đá, củi. Đơn vị cũng đang làm các thủ tục cần thiết để xin giấy phép lắp đặt, vận hành công nghệ này...”- ông Nghiêm cho hay.
 
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế  thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục quan trắc giám sát theo chế độ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, tái chế giấy, nhựa ở Cụm CN Thủy Phương. Đồng thời nếu các cơ sở này không khắc phục, sở sẽ tạm dừng hoạt động sản xuất trong thời gian từ 1-3 tháng để khắc phục. Sau thời gian tạm dừng, nếu các cơ sở không khắc phục được thì phải có phương án thay đổi công nghệ hoặc di dời cơ sở...