Vụ dân vây nhà máy thép Dana Ý: Đối thoại bất thành, dân đòi đóng cửa nhà máy

Tin tức - Ngày đăng : 17:38, 28/02/2018

(TN&MT) - Dư luận Đà Nẵng xôn xao trong hai ngày qua bởi 2 Nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) gây ô nhiễm, khiến người dân bao vây. Đỉnh điểm trong chiều nay (28/2) là cuộc đối thoại bất thành giữa chính quyền Đà Nẵng và người dân xã Hòa Liên. Trong khi chính quyền còn loay hoay tìm giải pháp thì dân đã bỏ về giữa cuộc đối thoại, không chấp nhận ký vào biên bản đối thoại.
Người dân thôn Vân Dương chất vấn lãnh đạo thành phố
Người dân thôn Vân Dương chất vấn lãnh đạo thành phố


Ngày thứ 2 liên tiếp, Phó Chủ tịch Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh dẫn đoàn công tác về xã Hòa Liên đối thoại với người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2. Vào chiều qua, ông Minh đã hoãn buổi đối thoại giữa chừng.

Cả trăm người dân của hai thôn có mặt từ rất sớm đứng chật kín trong sân nhà văn hóa. Ông Ngô Chấu (thôn Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo TP phải có trách nhiệm với dân. TP hứa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc từ lâu nhưng đến nay người dân vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Chấu đề nghị TP đóng cửa hai nhà máy thép để dân ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Mai (tổ 5, Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo TP trả lời ngay tại buổi đối thoại về phương án xử lý. “Nếu dời nhà máy đi thì thời gian nào sẽ dời?. Nếu dân đi thì bao giờ đi. Và khi dân dời đi hết các nhà máy mới được hoạt động. Bằng không dân sẽ vẫn không cho phép Dana Ý, Dana Úc hoạt động”, ông Mai nói. Rất đông người dân có mặt đã vỗ tay ủng hộ ý kiến của ông Mai.

Phát biểu trước người dân 2 thôn, Phó Chủ tịch Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, cả hai phương án dời dân hoặc dời nhà máy đều không phải là phương án tốt. Theo ông Minh, nếu dời nhà máy thì phải cần thời gian tìm địa điểm để xây dựng. Nếu di dân cũng phải đền bù, giải tỏa và cần thời gian. Ông hứa trước người dân rằng TP sẽ chọn phương án ít xấu nhất để thực hiện.
 

Phó Chủ tịch Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, cả hai phương án dời dân hoặc dời nhà máy đều không phải là phương án tốt
Phó Chủ tịch Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, cả hai phương án dời dân hoặc dời nhà máy đều không phải là phương án tốt


“Hôm nay các ý kiến của bà con đều muốn đóng cửa nhà máy. Tôi sẽ ghi nhận và báo cáo đầy đủ lên lãnh đạo TP và sẽ trả lời sớm cho bà con”- ông Minh phát biểu. Tuy nhiên, người dân có mặt không đồng tình và muốn có câu trả lời ngay.

Sau đó tất cả người dân có mặt đã đứng dậy ra về, không ký vào văn bản buổi làm việc. Đoàn công tác của lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng bất đắc dĩ phải ra về.

Ông Huỳnh Văn Tân, TGĐ công ty CP thép Dana Ý cho rằng, việc người dân liên tục bao vây nhà máy khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Hiện tại nhà máy đã tạm dừng hoạt động. “Trong những lần làm việc trước, TP có phương án di dân, chỉnh trang đô thị, bà con lúc đó cũng đã đồng ý. Theo lộ trình nhà máy cũng phải di dời. Chúng tôi cũng đã ký vào biên bản và chấp nhận chuyển đi theo lộ trình”- ông Tân nói.

Theo ông Tân, khi có chủ trương di dời dân, TP. Đà Nẵng đề nghị hai nhà máy tạm lo vấn đề kinh phí đền bù vì ngân sách không đủ. TP sẽ bố trí tiền trả lại doanh nghiệp. Hai nhà máy đã lo được tiền nhưng lộ trình di dân vẫn chưa thực hiện được.
 

Nhà máy Thép Dana Ý tạm thời dừng hoạt động
Nhà máy Thép Dana Ý tạm thời dừng hoạt động


Như Báo Điện tử TN&MT đã thông tin trước đó, trong một thời gian dài, Nhà máy Thép Dana Ý (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời hoặc hộ dân, hoặc nhà máy nhưng chưa thấy động thái tiếp theo từ chính quyền. 

Trước đó, hàng trăm người dân Hòa Liên đã tập trung tại cổng nhà máy thép Dana Ý yêu cầu khắc phục ô nhiễm... Hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc nằm cạnh nhau tại Hòa Liên bắt đầu hoạt động từ 2007. Nhiều năm qua liên tục bị dân bao vây, phản ứng vì ô nhiễm môi trường.

Tháng 12/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng từng về đối thoại với dân tại Hòa Liên. Trước buổi đối thoại này, người dân đã bao vây cổng nhà máy trong hai ngày liền để phản đối. Lúc đó, ông Minh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động hai nhà máy để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Các nhà máy sau đó tiếp tục hoạt động trở lại. UBND TP. Đà Nẵng đã lên phương án di dân ra xa các nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong.

Báo Điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.