Hậu Lộc (Thanh Hóa): Rác thải “bủa vây" ở nhiều xã ven biển

Tin tức - Ngày đăng : 09:40, 28/02/2018

(TN&MT) - Nhiều năm nay, trên địa bàn các xã huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) người dân luôn phải sống chung cùng với rác thải sinh hoạt. Mặc dù đã ký hợp đồng với Công ty Môi trường để thu gom vận chuyển rác và đóng tiền hàng tháng đầy đủ.  

Theo phản ánh của người dân các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Tiến Lộc, Lộc Tân…(huyện Hậu Lộc), cho hay, nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt ở địa phương rất nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải sinh hoạt gây ra, UBND xã đã ký hợp đồng với các đơn vị thu gom rác thải cho bà con. Tuy nhiên, các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt lại thiếu trách nhiệm, không làm đúng theo hợp đồng đã được ký kết. Rác được tập kết nhiều ngày vẫn không có xe về vận chuyển, gây nên tình trạng ứ đọng, bốc mùi.
 

Rác thải sinh hoạt của nhân dân xã Minh Lộc chất đống trên đê (gần chợ cá Minh Lộc) do không được thu gom.
Rác thải sinh hoạt của nhân dân xã Minh Lộc chất đống trên đê (gần chợ cá Minh Lộc) do không được thu gom.


Đi dọc các trục đường của các xã ven biển như: Minh Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc… dễ dàng bắt gặp những đống rác được tập kết nhiều ngày chưa được vận chuyển bên đường, ruồi, nhặng bu bám đen nghịt, mùi hôi thối bốc ra rất khó chịu. Nhiều gia đình để cả bao tải rác ngay trước cửa nhà, nhưng cả tuần vẫn không thấy công nhân của công ty môi trường tới thu gom.
 

Nhiều người dân bức xúc cho biết: Cứ đến tháng là nhân viên họ đến thu tiền, trong khi rác thải để cả tuần họ mới cho xe xuống thu gom 1 lần. Trong khi đó, ban đầu đã giao hẹn là 2 ngày thu gom một lần, chúng tôi mới đồng ý ký hợp đồng và đóng tiền, rác chứ có phải cái gì đâu mà để trong nhà cả tuần.
 

Dọc các trục đường của các xã ven biển huyện Hậu Lộc dễ dàng bắt gặp cảnh rác vứt vô tội vạ hai bên đường.
Dọc các trục đường của các xã ven biển huyện Hậu Lộc dễ dàng bắt gặp cảnh rác vứt vô tội vạ hai bên đường.


Anh Nguyễn Văn H, thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc cho biết: Nhà tôi 4 khẩu, mỗi khẩu hàng tháng phải đóng 10.000 đồng/khẩu/tháng. Như vậy 1 tháng nhà tôi phải bỏ ra 40.000 đồng để thuê công nhân thu gom rác thải sinh hoạt. Tiền bỏ ra là vậy, nhưng cả tuần trời họ mới đưa xe đến thu gom rác được vài lần, nhiều hôm rác ứ đọng phải mang ra biển vứt, chứ để trong nhà làm sao mà ngửi được. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, mỗi lần người dân phản ánh lên xã nhiều quá, thì thấy công ty cho xe về vận chuyển đúng ngày được một thời gian, rồi sau đó lại đâu vào đấy.
 

Còn chị Trương Thị Duyên (xã Đa Lộc) cho hay : Hàng tháng, mỗi nhân khẩu phải bỏ ra từ 7.000 đồng để trả cho đơn vị thu gom rác. Vài tháng đầu thì thấy họ mỗi tuần 2 - 3 lần xuống thu gom. Tuy nhiên, sau đó thì cả tuần họ mới cho xe ben xuống thu gom rác 1 lần. Rác thải nhiều không thể để trong nhà được, người dân phải mang ra tập kết ngoài đường để lâu ngày thì bốc mùi và rất mất mỹ quan. Được biết, huyện chuẩn bị xây dựng lò đốt rác tập trung trên Tiến Lộc, người dân chúng tôi trông chờ dự án được triển khai để tình trạng rác sinh hoạt tồn đọng gây ô nhiễm môi trường nhanh chóng được giải quyết.
 

Do để trong nhà nhiều ngày bốc mùi, người dân mang bì rác để ngoài cổng nhưng cả tuần vẫn chưa thấy xe tới thu gom.
Do để trong nhà nhiều ngày bốc mùi, người dân mang bì rác để ngoài cổng nhưng cả tuần vẫn chưa thấy xe tới thu gom.


Theo ông  Vũ Văn Đỉnh – Chủ tịch xã Đa Lộc cho hay, trước đây chúng tôi có ký hợp đồng thu gom rác với công ty TMT. Sau đó họ làm ăn thua lỗ nên xã thành lập các tổ đứng ra thu gom rác thải cho bà con. Cứ khoảng 3 ngày thì có xe ben xuống chở rác đi. Tiền phí thì hiện chúng tôi chỉ thu 7.000 đồng/khẩu/tháng.
 

Tại các xã như Phú Lộc, Đại Lộc đã xây dựng lò đốt rác thải, nhưng do công suất nhỏ nên chỉ xử lý được rác tại địa phương. Thế nên tình trạng ứ đọng rác thải ở nhiều xã, đặc biệt là các xã ven biển huyện Hậu Lộc dân số đông vẫn chưa được giải quyết.
 

Trước thực trạng trên, rất mong UBND huyện Hậu Lộc sớm có biện pháp hoặc tìm công ty có năng lực để giải quyết thực trạng trên, đảm bảo môi trường sống cho người dân.