Thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư xử lý chất thải y tế
Tin tức - Ngày đăng : 11:35, 09/02/2018
Hiện tỉnh Bình Phước đang thực hiện đầu tư xử lý rác thải y tế cho một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp nên tỉnh chưa đầu tư được nhiều, chỉ mới đầu tư được 3 bệnh viện có quy mô trên 200 giường bệnh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh Bình Phước, Hải Dương đề nghị cơ quan có thẩm quyền có cơ chế chính sách, quan tâm, đầu tư kinh phí để cải thiện môi trường.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri như sau:
Kiến nghị của cử tri 2 tỉnh Bình Phước và Hải Dương đều liên quan đến thực trạng thiếu kinh phí trong đầu tư, xử lý chất thải y tế tại địa phương, đây cũng chính là khó khăn chung và lớn nhất của hầu hết các tỉnh trong công tác quản lý chất thải y tế.
Hiện nay giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ chi phí cho đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế. Các bệnh viện đến nay hầu hết đều chưa tự chủ về chi đầu tư phát triển kể cả các bệnh viện tuyến trung ương. Do đó, Bộ Y tế rất chia sẻ khó khăn này của các địa phương và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố xem xét ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư xử lý chất thải y tế trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
Việc xử lý nước thải y tế
Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu, xây dựng giải pháp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư xử lý nước thải y tế trong các cơ sở y tế công lập.
Trong đó, đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế theo hình thức đối tác công tư, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia vào đầu tư xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Hiện nay, hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù về đầu tư xử lý nước thải y tế trong các cơ sở y tế công lập đã hoàn thành tất cả các thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và đang được trình lên Thủ tướng xem xét.
Văn bản này nếu được ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn lớn nhất về thiếu kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt tại các cơ sở y tế không có hoặc có nguồn thu thấp và tại các địa phương còn khó khăn. Tuy nhiên, khi chính sách này được ban hành, mặc dù không phải bố trí một lượng kinh phí lớn ban đầu để đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế nhưng Nhà nước vẫn phải bố trí kinh phí thường xuyên để chi trả chi phí xử lý nước thải y tế cho nhà đầu tư tư nhân theo hình thức trên.
Việc xử lý chất thải rắn y tế
Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch giữa 2 Bộ quy định về quản lý chất thải y tế (Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015). Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đạt mục tiêu về xử lý chất thải rắn y tế.
Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố lớn và những địa phương có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung, các cơ sở y tế đều thực hiện ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài có chức năng phù hợp để vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế. Tuy nhiên tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn và những nơi chưa có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung, nhiều cơ sở y tế đang phải xử lý chất thải rắn tại chỗ (trong khuôn viên cơ sở y tế) và cũng đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị xử lý chất thải y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn, trong đó ưu tiên xử lý chất thải y tế theo hình thức tập trung, hình thức xử lý theo cụm cơ sở y tế để tăng hiệu quả và giảm đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải.
Thời gian qua, về phía Bộ Y tế đã chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực thực thi chính sáchvề quản lý chất thải y tế, Dự án đã giành phần lớn kinh phí (khoảng 120 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế (cả chất thải rắn và nước thải y tế) cho khoảng 250 bệnh viện tuyến trung ương và địa phương trên toàn quốc.
Ngoài ra, để làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, Bộ Y tế đề nghị cử tri kiến nghị với địa phương quan tâm chỉ đạo và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế và việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài cơ sở y tế trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương theo thẩm quyền để thu hút các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xử lý chất thải y tế để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và theo đúng chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ là không ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể tham gia.