Thủy Bằng (Thừa Thiên Huế): Cơ sở tái chế giấy phế liệu đe dọa môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 16:07, 05/02/2018

(TN&MT) - Mỗi khi cơ sở tái chế giấy phế liệu ở thôn Cư Chánh 2 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) vận hành, người dân sống xung quanh vô cùng mệt mỏi, bức xúc vì tiếng ồn và môi trường bị ô nhiễm do khói bụi...
Cơ sở tái chế giấy phế liệu ở thôn Cư Chánh 2
Cơ sở tái chế giấy phế liệu ở thôn Cư Chánh 2


Nhận được phản ánh của người dân thôn Cư Chánh 2 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) về việc cơ sở tái chế giấy phế liệu nằm trên địa bàn gây ô nhiễm khiến cuộc sống xáo trộn, PV đã về tận nơi để tìm hiểu.

Theo quan sát, cơ sở tái chế giấy phế liệu nằm trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh có rất nhiều hộ dân sinh sống và rất gần khu di tích Điện Hòn Chén. Cơ sở cũ kĩ, có hai ống khói; thời điểm PV có mặt thì cả hai ống này tỏa khói như mây hướng lên trời và cảm nhận rõ mùi hôi nồng nặc từ khói. Người dân địa phương cho hay cơ sở này tồn tại đã hơn 20 năm và khoảng một hai năm gần đây ô nhiễm nặng.

Cụ thể, cơ sở gây ồn ào, mùi hôi phát ra từ các ống khói làm ô nhiễm môi trường và bụi bay vào nhà dân rất nhiều...

Khói thải nghi ngút từ hai ống chọc trời
Khói thải nghi ngút từ hai ống chọc trời


Nhà bà Thân Thị Nhật Lệ (76 tuổi) là một trong những hộ dân sống sát cơ sở trên. Khi PV vào nhà thì thấy rõ mùi hôi cũng như bụi bám vào cây cối, cửa... nhà bà Lệ.

Trong nỗi bức xúc, bà Lệ cho hay tiếng ồn phát ra cả ngày lẫn đêm khiến bà không thể chịu được khi mà tuổi đã cao, tai đã ù nay lại thêm đau nhức. “Có khi nhà máy vận hành làm rung cả mái tôn trên nhà. Còn mỗi khi gặp gió là bụi bay trước nhà nó trắng xóa như sương vậy...”- bà Lệ bực tức nói.

“Cở sở có nhiều khói và mùi hôi nên tôi rất lo cho con nhỏ. Nếu nhà máy này mà còn lâu dài thì dễ phát sinh bệnh tật lắm”- chị Dương Thị Thanh Nhàn (25 tuổi, thôn Cư Chánh 2) trình bày.

Tiếp tục đi một vòng xung quanh cơ sở, PV nhận thấy có một hệ thống xả thải “lộ thiên” gồm nhiều ống nhựa, kéo dài từ trong cơ sở ra gần thượng nguồn sông Hương. Người dân ở đây cho rằng ống xả thải sẽ thải nước bẩn, phẩm màu... ra môi trường bên ngoài và khả năng caokhông qua xử lý. Còn về mùa mưa, nước thải tràn ra đường đi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì sự ô nhiễm môi trường từ cơ sở
Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì sự ô nhiễm môi trường từ cơ sở


Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về vấn đề trên, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần về làm việc, lập biên bản nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Được biết, chủ cơ sở tái chế là ông Hồ Công Chấn. PV đã tìm cách gặp ông Chấn nhưng không được, gọi điện thoại nhiều lần ông cũng không nghe máy. Một bảo vệ của cơ sở cho hay “ông chủ” ở dưới thành phố lâu mới lên một lần.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, những năm gần đây người dân có phản ánh rất nhiều lần về việc cơ sở sản xuất giấy ở thôn Cư Chánh 2 xả nước thải ra môi trường, ô nhiễm, khói bụi...

Hệ thống xả thải “lộ thiên”
Hệ thống xả thải “lộ thiên”


“Xã đã thường xuyên và đột xuất về kiểm tra, tuy nhiên nhìn bằng mắt thường khó đánh giá hết được. Xã cũng đã mời các đơn vị liên quan ở cấp trên như thị xã Hương Thủy, phòng TN&MT... để về theo dõi, kiểm tra nhưng không phát hiện ô nhiễm nên không có căn cứ xử phạt. Tôi cũng muốn cơ sở này sớm di dời lắm...”- ông Thìn thông tin.

Khi PV đặt câu hỏi liệu một cơ sở ô nhiễm như vậy tại sao không được quy hoạch về khu công nghiệp hay đặt xa khu dân cư, theo ông Thìn thì xã đã có một khu tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên vẫn chưa có ai đăng ký và xã đang vận động để nhiều đơn vị kinh doanh đến, qua đó để xã dễ quản lý và không ảnh hưởng đến dân cư...

Mong các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc để giải quyết tình trạng trên, mang lại môi trường sống trong lành hơn cho người dân.