Phú Tân (Cà Mau): Dân bơm đất bùn thẳng ra sông rạch để nuôi sò

Tin tức - Ngày đăng : 18:59, 31/01/2018

(TN&MT) - Qua thông tin phản ảnh của người dân việc những người thuê đất nuôi sò ven sông Bảy Háp (thuộc ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo) đã đưa cơ giới vào để sên,...

 

(TN&MT) - Qua thông tin phản ảnh của người dân việc những người thuê đất nuôi sò ven sông Bảy Háp (thuộc ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo) đã đưa cơ giới vào để sên, hút bùn rồi đổ thẳng ra sông rạch, và chặt phá cây rừng, mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phú Tân (Cà Mau) đã có kết quả báo cáo nhanh về vụ việc này.

H1
Bãi nuôi sò tại sông Bãi Háp, thuộc xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân


Báo cáo của Phòng TN&MT Phú Tân nêu rõ, do nhu cầu cần thiết của người dân, nên UBND xã Rạch Chèo thống nhất cho người dân thuê đất ven sông để nuôi sò huyết giống. UBND xã Rạch Chèo có quy định không được làm thay đổi hiện trạng như bơm, sên, vét, mà chỉ được rào bằng lưới mành và cây gỗ địa phương. Phần đất mà UBND xã Rạch Chèo cho thuê nuôi sò giống là đất ven sông do xã quản lý, do phù sa bồi đắp nên cây mắm tự mọc, tái sinh, cây không trữ lượng, cây mọc ven sông không thuộc phạm vi đất rừng.

Tuy nhiên, qua sản xuất, những người dân này tự đưa cơ giới vào múc để tạo đường kênh sâu, tiện cho việc đi lại vào chòi coi giữ, với chiều ngang 3m, dài 70m. Bên cạnh đó, diện tích chồi mắm bị chặt dài 70m, ngang 15m, tổng diện tích khoảng 840m2.

Báo cáo cũng thể hiện, qua làm việc với tổ công tác, ông Lý Văn Gặp - Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo thừa nhận, xã không xin chủ trương cấp trên và tự ý cho 3 hộ dân thuê với tổng diện tích 19.500m2 đất bãi bồi ven sông Bảy Háp. Việc này, Phòng TN&MT huyện Phú Tân cho rằng việc UBND xã Rạch Chèo cho dân thuê bãi ven sông Bảy Háp để nuôi sò huyết là chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai. Qua đó, Phòng TN&MT kiến nghị UBND huyện Phú Tân tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo trong quá trình quản lý sử dụng đất; đồng thời yêu cầu UBND xã Rạch Chèo tiến hành thanh lý các hợp đồng thuê đất với hộ dân và trả lại hiện trạng ban đầu.
 

H2
Kênh, rạch người dân tận dụng nuôi sò, làm cản trở giao thông


Trước đây, Báo điện tử TN&MT đã thông tin, theo báo cáo tình hình rà soát, thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, tổng số hộ nuôi sò huyết trên các tuyến sông kênh rạch trên địa bàn huyện là 126 hộ; trong đó tập trung đông nhất là xã Tân Hải và xã Phú Tân, còn lại rải rác ở các xã Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo và thị trấn Cái Đôi Vàm.

Đối với các địa phương này có điều kiện tự nhiên thuận lợi là gần cửa biển, phù sa nhiều nên các bãi đất bồi trên sông được người dân tận dụng triệt để thả nuôi sò huyết giống. Theo nhận định của các ngành chức năng huyện Phú Tân, việc người dân nuôi sò huyết trên sông rạch là mới phát sinh trong thời gian gần đây, do mô hình này ở các địa phương khác mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên người dân tận dụng đất bãi bồi tại chỗ để thả nuôi.

Theo các hộ dân, nghề nuôi sò huyết trên sông rạch ở đây không cần kỹ thuật nhiều, chỉ cần ra biển cào sò giống về thả nuôi. Ai có khả năng thì mua thêm sò giống về dèo khoảng 2 tháng là có thể bán cho chủ vuông nuôi sò thịt. Còn người dân muốn để nuôi sò thương phẩm thì tiếp tục săn sóc, bảo quản khỏang một năm sẽ đạt lọai sò thịt. Nếu không có rủi ro, bỏ một vốn lợi nhuận thu lại có thể gấp 5-7 lần, thậm chí lên đến 10 lần.

Trước tình hình tự phát rầm rộ như trên, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân đã đề xuất UBND huyện nên xem xét quy hoạch một số khu vực nuôi sò tập trung tại các bãi biển ven bờ. Quy định thời gian gièo sò huyết giống khu vực ven biển theo mùa vụ, sau khi thu hoạch xong phải tháo dỡ các dụng cụ rào chắn, tránh gây cản trở.

Bên cạnh đó, đối với tuyến sông, kênh rạch, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn không cho phép người dân nuôi sò trong khu vực này. Bởi, việc nuôi sò làm ảnh hưởng nhanh đến việc bồi lắng dẫn đến ảnh hưởng lưu thông dòng chảy, gây cản trở việc giao thông đi lại của người dân, về lâu dài việc nuôi sò huyết có thể làm ô nhiểm môi trường, nếu như có dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân trong vùng.