Hà Nội: Dân khắc khoải chờ ngày sông chết được hồi sinh
Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 27/01/2018
(TN&MT) - Sông Cầu Đá là con sông chảy qua nhiều phường từ Xuân La, Xuân Đỉnh đến Cổ Nhuế rồi đổ vào sông Nhuệ. Thế nhưng hơn chục năm qua, con sông đã bị ô...
(TN&MT) - Sông Cầu Đá là con sông chảy qua nhiều phường từ Xuân La, Xuân Đỉnh đến Cổ Nhuế rồi đổ vào sông Nhuệ. Thế nhưng hơn chục năm qua, con sông đã bị ô nhiễm nặng nề.
Phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống ở gần đoạn sông Cầu Đá (ngõ 579, đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hơn chục năm qua, sông Cầu Đá giống như một tuyến nước thải chảy qua nhiều phường từ Xuân La, Xuân Đỉnh đến Cổ Nhuế rồi đổ về sông Nhuệ. Do nước thải sinh hoạt cũng như nước thải từ các làng nghề ở Xuân Đỉnh đều đổ ra đây nên nhiều năm qua, dòng sông bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Tạ Đình Đề (số nhà 15, ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng) – cán bộ hưu trí cho biết: “Người dân ở các ngõ 579, ngõ 599, ngõ 521 đường Phạm Văn Đồng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng ô nhiễm này. Các hộ dân chúng tôi phải tìm mọi cách để đối phó, từ việc căng bạt ven sông, lắp cửa kính kín mít … nhưng không mấy hiệu quả. Vào những ngày nắng nóng, một số nhà sống hai bên bờ sông buộc phải sơ tán sang nhà họ hàng ở các phường lân cận. Nhà nào không có anh em họ hàng thì chỉ còn cách đóng kín cửa. Thậm chí nhà bà Phạm Hòa, ngõ 521 còn phải lấy băng dính trắng dán vào các khe hở của cửa sổ, cửa ra vào để ngăn mùi”.
Cũng theo ông Đề, tình trạng ô nhiễm ở sông Cầu Đá không những làm đảo lộn đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là quán hàng ăn uống, giải khát. Bà Nguyễn Thị Hảo – chủ hàng giải khát số 10 ngõ 323 Xuân Đỉnh, Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi bán đồ giải khát tập trung vào mấy tháng hè. Ấy nhưng thời tiết càng nóng bức, mùi hôi thối từ con sông càng bốc lên càng nồng nặc. Không khách nào dám vào ngồi uống nước. Để chủ động khắc phục, gia đình tôi cùng nhiều nhiều hộ dân lân cận đã làm cầu bê tông bắc qua sông và chuyển cửa hàng ra xa hẳn khu vực ô nhiễm. Thế nhưng việc này không có mấy hiệu quả do mỗi khi có gió, mùi xú uế lại tạt vào nồng nặc”.
Trao đổi với PV, ông Chu Việt Dũng, phó chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cho biết: “Năm 2015, UBND phường Cổ Nhuế 1 đã nhận được kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn phường về tình trạng ô nhiễm tại Kênh tiêu Hà Nội (sông Cầu Đá - PV) đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Thời điểm đó, UBND phường đã có công văn kiến nghị công ty thoát nước Hà Nội; Xí nghiệp thoát nước số 2 nghiên cứu, từng bước có giải pháp xử lý, khơi thông, nạo vét các tuyến mương, rãnh thoát nước trên địa bàn phường, đảm bảo công tác duy trì thu gom, vớt rác trên các tuyến kênh, mương thoát nước, không gây ách tắc. Đầu năm 2017, UBND phường cũng đã ban hành kế hoạch nhằm phối hợp với Xí nghiệp thoát nước số 2 để tiếp tục khơi thông, nạo vét tuyến sông Cầu Đá”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, ngày 14/05/2010, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định số 2348/QĐ – UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xây dựng tuyến đường số 3 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự án sẽ chạy qua sông Cầu Đá. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn tiến hành. Cụ thể, đoạn sông Cầu Đá (từ đường Phạm Văn Đồng đổ về sông Nhuệ) đã thực hiện xong. Đoạn sông từ ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng đến Hồ Tây dài gần 3 km vẫn đang chờ giải phóng mặt bằng để hoàn thiện.
Ông Chu Việt Dũng cho biết: “Trong khi chờ đợi hoàn thiện dự án đường số 3, từ năm 2015 đến nay, Xí nghiệp thoát nước số 2 của thành phố đã 3 lần thực hiện tiến hành nạo vét, cải tạo lòng sông, vớt rác thải cản dòng chảy, xử lí tình trạng ô nhiễm bấy lâu nay nhưng vẫn không hết được mùi hôi thối nồng nặc. Hi vọng sau khi hoàn thành dự án đường số 3, tình trạng này sẽ được cải thiện”.
Theo thông tin mà người dân nơi đây cung cấp, tình trạng ô nhiễm nguồn nước không chỉ do nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân được xả thẳng ra sông mà còn do nước thải của nhà máy nước Cáo Đỉnh (thuộc công ty nước sạch Hà Nội). Nước thải của nhà máy này thường chứa bùn đất màu đỏ và được xả trực tiếp ra dòng sông. Chính điều này đã khiến cho sông Cầu Đá vốn ô nhiễm nay lại càng ô nhiễm hơn.
Được biết TP. Hà Nội từ lâu đã có chủ trường làm xanh, sạch ao hồ, kênh mương. Ấy nhưng trong khi chờ đợi các giải pháp được triển khai đồng bộ hóa, người dân vẫn hàng ngày hàng giờ phải hứng chịu đủ nỗi khổ mang tên ô nhiễm. Bao giờ tình trạng ô nhiễm sông Cầu Đá sẽ được giải quyết? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào các cấp chính quyền và ý thức bảo vệ môi trường của chính bản thân người dân.