Mường Tè – Lai Châu: Cần giải pháp ngăn chặn sạt lở khu TĐC Nậm Khao
Tin tức - Ngày đăng : 16:18, 24/01/2018
Để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, giữa năm 2014, người dân ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè nằm dưới cốt ngập lòng hồ thủy điện phải di chuyển lên ở vị trí cao hơn. Tại nơi ở mới, nhiều ngôi nhà sàn đã được dựng lên, nhiều công trình dân sinh, điện, đường, trường, trạm được xây dựng,… Thế nhưng, người dân TĐC Nậm Khao lại phải đối mặt với tình trạng sạt lở.
Bản tái định cư Nậm Khao có trên 10 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng sạt lở mỗi khi mùa mưa về. Được biết, cung sạt trượt ở bản tái định cư Nậm Khao bắt đầu từ mùa mưa năm 2014. Để khắc phục vị trí sạt trượt trên, huyện Mường Tè đã chỉ đạo các đơn vị thi công dọn đất bị sạt sụt, xử lý kỹ thuật để giảm tải cho mái ta luy; đồng thời tiến hành lu nền đất, làm rãnh thu nước, làm kè rọ đá sát nhà dân, dùng bạt phủ kín toàn bộ bề mặt vị trí sụt lún phía trên...
Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục trên chỉ là tạm thời, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Đất từ trên cao bị sụt dài hàng chục mét kéo theo một khối lượng bùn đất đẩy và làm xô nghiêng các rọ đá to ngay cạnh móng nhà của các hộ dân; hệ thống rãnh thoát nước cũng bị phá hủy. Đến nay, bản Nậm Khao đã có 5 hộ phải di chuyển đến nơi ở mới và nhiều hộ dân vẫn nơm nớp lo sợ trước tình trạng sạt lở mỗi khi mùa mưa đến.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn So, bản Nậm Khao, xã Nậm Khao, ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố và chắc chắn. Nhưng mùa mưa năm 2015, đã khiến cho khu đất phía trên nhà ông bắt đầu sạt lở, đất đá chảy vào đến tận sàn nhà đã khiến cho cả nhà ông vô cùng lo lắng mối khi mùa mưa đến. Hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm bị đất đá sạt lấp, xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình đã phải dùng những tấm ván để ngăn đất lấy lối ra vào nhà vệ sinh.
Ông So chia sẻ: “Mặc dù gia đình đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng đến nay gia đình vẫn phải sống trong cảnh sợ hãi khi đất đá phía trên có thể bị sập xuống bất cứ lúc nào.”
Ông Lý Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khao, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 hộ trên địa bàn xã phải di chuyển đến nơi ở mới với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ và được bố trí mặt bằng để xây dựng chỗ ở mới. Theo ông Lương, nguyên nhân dẫn đến sụt sạt nghiêm trọng ở bản TĐC Nậm Khao rất có thể là do khu vực này có mạch nước ngầm. Trước đây, ngay trên đồi phía đầu bản vốn là một khe nước ngầm cung cấp nước tưới cho diện tích ruộng phía cuối bản. Tuy nhiên, khi quy hoạch làm mặt bằng tái định cư, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công lấp toàn bộ khe để lu lèn mặt bằng. Mặc dù đã xây hệ thống mương bê tông trên để dẫn dòng chảy ra nơi khác. Tuy nhiên, con mương này hiện chỉ thu được nước mặt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Nguy cơ sạt lở tại khu TĐC Nậm Khao vẫn còn hiện hữu, xuất hiện các vết nứt địa chất và các mạch nước ngầm. Nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động di chuyển những hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Lai Châu xem xét, xây dựng kè chống sạt và hệ thống thoát nước. Cùng với đó, bố trí lực lượng túc trực, đảm bảo giao thông, cảnh báo người dân chủ động phòng tránh sạt lở.
Với chủ trương người dân TĐC khi chuyển lên nơi ở mới cuộc sống phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng nhiều hộ dân TĐC Nậm Khao lại đang lo lắng bởi mặt bằng không ổn định, sạt sụt thường xuyên xảy ra. Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân TĐC Nậm Khao, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu cần sớm xem xét và đưa ra phương án khắc phục triệt để tình trạng sạt lở.