Điện Biên: Vỡ bể chứa nước thải nhà máy chế biến sắn

Tin tức - Ngày đăng : 18:29, 15/01/2018

(TN&MT) – Ngày 15/1, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của người dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên về tình trạng nước suối Nậm Núa, đoạn chảy qua địa bàn các xã Hẹ Muông, Núa Ngam của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cá suối và các loại thủy sinh bị chết nổi trắng trên bề mặt.
Điện Biên: Vỡ bể chứa nước thải nhà máy chế biến sắn
Bể chứa nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn bị vỡ
Bể chứa nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn bị vỡ

Nguyên nhân ban đầu của sự việc được người dân cho biết là do vỡ bể chứa chất thải tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp có trụ sở tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên phía đầu nguồn suối Nậm Núa gây nên.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến Nhà máy chế biến tinh bột sắn. Tại đây, chúng tôi phát hiện bể chứa nước thải của nhà máy đã bị vỡ, vẫn chưa được khắc phục, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc nước suối chuyển màu và cá chết trắng hàng loạt. Hiện tại phía nhà máy đã cho dừng hoạt động chế biến.

Người dân địa phương và một số xã lân cận tham gia vớt cá chết.
Người dân địa phương và một số xã lân cận tham gia vớt cá chết.

Ghi nhận trên dọc chiều dài gần 10km của con suối Nậm Núa chảy qua địa bàn 2 xã: Hẹ Muông và Núa Ngam của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Dòng nước suối trở nên đục ngàu, bã bọt kết váng nổi suốt chiều dài hai bên bờ suối. Đặc biệt, các loại thủy sinh lớn nhỏ, cá suối sinh sống trong dòng nước đã bị chết nổi trắng, dạt sang hai bên bờ.

Toàn bộ cá suối và các loài thủy sinh đều bị chết do nguồn nước ô nhiễm
Toàn bộ cá suối và các loài thủy sinh đều bị chết do nguồn nước ô nhiễm

Hàng trăm người dân trên địa bàn và một số xã, bản lân cận đã đổ dồn về đây để thu lượm cá chết. Chỉ chưa đầy 10 phút một người dân đã có thể thu lượm được vài kilogam cá. Có những con cá to nặng vài kilogam cũng không chịu được mức độ ô nhiễm của dòng suối đã chết và dễ dàng bị người dân bắt lại.

Theo một số người dân sinh sống trên địa bàn cho biết thì đây là lần đầu tiên thấy cảnh nước suối bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến tình trạng cá chết nổi trắng suối nhiều như vậy. Anh Lò Văn Kiểu, người dân bản Ten Núa, xã Núa Ngam cho biết: Ở đây cách khu vực của nhà máy chế biến tinh bột sắn tầm 6km, nhưng kể từ khi nhà máy chế biến sắn đi vào hoạt động, tình trạng nước suối bị đục và cá chết rải rác đã xảy ra, nhầy nhớt bám vào các khe đá khiến cho rêu cũng chẳng mọc được nữa. Đến hôm nay, nước suối đục ngầu, chảy đến đoạn suối nào đều khiến cá đoạn đó chết toàn bộ.

Người dân vớt cá trên suối Nậm Núa, đoạn chảy qua xã Núa Ngam
Người dân vớt cá trên suối Nậm Núa, đoạn chảy qua xã Núa Ngam

Hiện tượng cá chết hàng loạt và nước suối đổi màu đã khiến nhiều người dân trên địa bàn tỏ ra rất lo lắng. Bởi đây là dòng suối cung ứng nước tưới cho hầu hết ruộng đồng của người dân. Ngoài ra nước suối Nậm Núa còn được sử dụng để chăn nuôi, lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, phục vụ một số nhu cầu sinh hoạt đời thường của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn lân cận.

Người dân vớt cá trên suối Nậm Núa, đoạn chảy qua xã Núa Ngam

Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân, trong sáng 15/1, Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với UBND huyện Điện Biên, các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND xã Hẹ Muông, xã Núa Ngam tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước suối xét nghiệm và đình chỉ tạm thời hoạt động của nhà máy

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.