Đắk Nông: Người dân khốn khổ vì bãi rác “đốt lộ thiên” nằm sát khu di tích quốc gia

Tin tức - Ngày đăng : 00:31, 07/01/2018

(TN&MT) - Trong nhiều năm trở lại đây hàng chục hộ dân sống tại thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), hết sức bức xúc, khốn khổ vì hằng ngày phải...

 

(TN&MT) - Trong nhiều năm trở lại đây hàng chục hộ dân sống tại thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), hết sức bức xúc, khốn khổ vì hằng ngày phải “chấp nhận” sống chung với mùi hôi, khói bụi bốc lên từ một bãi tập kết rác thải sinh hoạt nằm sát với khu di tích lịch sử cấp quốc gia N’Trang Lơng. Điều đáng nói, bãi rác này tồn tại kéo dài từ năm 2011 đến nay, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng khắc phục.

26695701 623840024453073 702095713 o
 Người dân bức xúc khi chứng kiến cảnh đốt lộ thiên của chủ bãi tập kết rác

Xử lý rác bằng cách “đốt lộ thiên”

Theo chân của những hộ dân sống gần với bãi tập kết rác sinh hoạt, chúng tôi tận mắt chứng kiến một bãi rác chứa đầy những chất thải sinh hoạt như bao nilon, giấy bạc, vãi, bao tải… đang được chủ bãi rác xử lý bằng cách “đốt lộ thiên”. Qua quan sát của phóng viên (PV), bãi rác nằm giáp với nhiều ngôi nhà của người dân, phía dưới bãi rác có một con suối nhỏ. Trao đổi với PV báo điện tử TN&MT, nhiều người dân cho biết “bãi tập kết rác này, đốt rác cả ngày lẫn đêm, phát ra mùi hôi rất khó chịu làm cho nhiều người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em hay đau đầu, buồn nôn”. Qua tìm hiều, toàn thôn 8 có hơn 100 hộ dân đang sinh sống, trong đó có khoảng 35 hộ ở sát với bãi tập kết rác.

Liên tục kiến nghị nhưng không thấy khắc phục

Theo ông Nguyễn Văn Quý, trưởng thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), “bãi tập kết rác tồn tại được 7 năm, do nằm giáp với khu di tích lịch sử N’Trang Lơng và gần với hàng chục hộ dân đang sinh sống nên nhiều năm qua người dân cũng như chính quyền thôn đã có nhiều đơn thư kiến nghị với xã, huyện để di dời bãi rác đi nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, một người dân tại thôn 8 xin dấu tên nói “người dân thôn 8 rất bức xúc trước mùi hôi phải chịu hằng ngày từ bãi rác nên lần nào tiếp xúc cử tri các cấp cũng có đề xuất kiến nghị nhưng không hiểu vì sao qua bao năm mà bãi rác vẫn không chịu chuyển đi”.
 

26693272 623840071119735 1795089763 o
Khói bốc lên từ bãi rác

Bãi rác không nằm trong quy hoạch

Theo tìm hiểu, Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2007. Sau khi được công nhận, UBND tỉnh đã có Quyết định 741 về việc Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử đồn Bu Mêra, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Đến ngày 17/2/2011, UBND tỉnh có Quyết định số 243 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo. Theo đó, Cụm di tích lịch sử này có diện tích 42 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm sẽ được khoanh vùng, triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng điểm du lịch văn hóa.

Để tìm hiểu thêm thông tin về việc vì sao bãi tập kết rác lại nằm sát khu di tích quốc gia và gần với nhiều hộ dân, PV Báo TN&MT đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Đức. Theo ông Tân, đầu năm 2011, huyện Tuy Đức triển khai dự án xây dựng Cụm Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp tại xã Quảng Tâm, trong đó có hệ thống xử lý rác thải. Tuy nhiên, do không có vốn nên dự án chưa triển khai được. Sau đó, HTX Vận tải Tuy Đức có đăng ký thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn trung tâm xã Đắk Búk So.

Được biết, HTX vận tải này do ông Đặng Văn Hưng, trú tại thôn 8, xã Đắk Búk So làm Giám đốc và cho người trực tiếp thu gom rác vào đổ trong rẫy của gia đình ông Hưng.

Cũng theo ông Tân, “Hằng năm UBND huyện Tuy Đức phải trích ngân sách để trả cho HTX vận tải của ông Hưng với một khoản tiền không hề nhỏ. Cụ thể, năm 2016 gần 590 triệu đồng; năm 2017 là  800 triệu đồng. Ngoài ra, phương tiện là một xe chuyên dùng để đi gom rác của HTX vận tải này cũng được UBND huyện “hỗ trợ”. Tuy nhiên, số tiền mà HTX vận tải của ông Hưng phải đóng lại cho UBND huyện chỉ là 97 triệu đồng”.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Đặng Văn Hưng để tìm hiểu lý do vì sao lại không xử lý rác bằng cách chôn mà lại “đốt lộ thiên” gây ô nhiễm cho người dân thì ông Hưng phân trần: “mỗi ngày gom rác gần cả huyện với khối lượng từ 6 -7 tấn nếu không đốt mà chôn thì năm sau mất 5 hecta rẫy của tôi à”.

26735168 623839971119745 1805990896 o
Đường vào bãi rác cũng là đường vào khu di tích lịch sử cấp quốc gia

Bắt buộc phải di dời bãi rác

Làm việc với PV Báo điện tử TN&MT, ông Ngô Chí Trung - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông), khẳng định: “bãi rác tạm này bắt buộc phải di dời vì xử lý theo cách đốt lộ thiên là không đúng và nằm gần khu di tích quốc gia cũng như quanh đó có nhiều người dân sinh sống là không hợp lý. Ngoài ra, đây không phải là bãi rác được quy hoạch”. Tuy nhiên, ông Trung cũng chia sẻ thêm, vấn đề di dời là phụ thuộc vào huyện Tuy Đức sắp xếp, bố trí.

Cũng theo ông Trung, liên quan đến bãi rác này vào ngày 14 tháng 12 năm 2017 Sở TN&MT Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan về công tác quy hoạch, thu gom vận chuyển, xử lý tại các bãi chôn lấp trên địa bàn huyện Tuy Đức. Tại buổi làm việc phía lãnh đạo Chi Cục bảo vệ Môi trường yêu cầu UBND huyện thường xuyên cử cán bộ liên quan kiểm tra quá trình vận hành bãi rác, nếu có phát sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường phải kịp thời có biện pháp xử lý tránh để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.