Bà Rịa – Vũng Tàu: Chật vật bài toán xử lý xỉ thép
Tin tức - Ngày đăng : 10:17, 05/01/2018
(TN&MT) - Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương tập trung nhiều nhà máy thép có công suất lớn. Theo thống kê, mỗi năm 6 nhà máy thép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 45.000 tấn bụi lò. Dù tỉnh đã nhiều lần kêu gọi các dự án đầu tư xử lý bụi lò nhưng đến nay bài toán xử lý bụi lò đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Các nhà máy thép phải chật vật thuê các công ty xử lý xỉ thép các tỉnh, thành khác đến thu gom, vận chuyển đi nơi khác xử lý. Trong khi đó, dự án xử lý bụi lò của một tập đoàn đến từ Anh thì hứa hẹn đã nhiều năm nhưng nay mới chuẩn bị khởi động.
CÒN TỒN ĐỌNG GẦN 2.000 TẤN BỤI LÒ
Theo thống kê của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy thép đang hoạt động với tổng công suất 4,5 triệu tấn/năm. Ông Nguyễn Dũng, Chi cục Phó Chi cục BVMT (Sở TN-MT) tỉnh cho biết, năm 2017 khối lượng bụi lò thép phát sinh trong khoảng 42.190 tấn, trong đó đã chuyển cho Công ty cổ phần kim loại màu Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên), Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (tỉnh Hải Dương) và Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (tỉnh Kiên Giang) xử lý khoảng 40.330 tấn. Hiện khối lượng bụi lò thép đang lưu giữ tại các nhà máy chờ xử lý khoảng 1.860 tấn.
Theo Chi cục BVMT, các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đều có công suất luyện hơn 200.000 tấn/năm. Theo quy định của Chính phủ thì 6 nhà máy này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TN-MT. Từ tháng 11-2012, trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào bảo đảm các tiêu chí vận chuyển và xử lý bụi lò, trong khi đó các nhà máy xử lý bụi lò tại Thái Nguyên lại gặp trục trặc nên lượng bụi lò trên địa bàn tỉnh không được thu gom xử lý. Vì vậy, có những thời điểm lượng bụi lò tồn đọng với khối lượng hàng chục ngàn tấn tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.
Việc tồn tại xử lý xỉ thép và bụi lò trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh với khối lượng lớn là do một phần trách nhiệm của các chủ đầu tư chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với chủ nguồn thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nguyên nhân khác là do những năm qua BR-VT phát triển quá nhanh về lĩnh vực luyện thép. Theo đó, trước năm 2012, tỉnh chỉ có 3 nhà máy hoạt động, công suất luyện thép khoảng 1,25 triệu tấn/năm. Sau năm 2012 đến nay, có 6 nhà máy hoạt động với công suất luyện thép 4,5 triệu tấn/năm. Do vậy, tỉnh bị động, không đủ điều kiện tổ chức xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của ngành thép.
VẪN LOAY HOAY BÀI TOÁN BỤI LÒ
Ông Phùng Ngọc Quý, Phó Tổng giám đốc Pomina cho biết, nhà máy thép Pomina 2 - Công ty cổ phần Pomina 2 KCN Phú Mỹ I có công suất 500.000 (tấn sản phẩm/năm). Trong đó lượng bụi lò phát sinh khoảng 10.000 tấn/năm. “Công ty rất mong muốn có một đơn vị đủ năng lực xử lý bụi lò trên địa bàn tỉnh để giúp DN giải quyết vấn đề chất thải sau sản xuất, góp phần BVMT. Nhưng nhiều năm qua, công ty vẫn phải thuê Công ty TNHH kim loại màu Việt Bắc vào thu gom, vận chuyển ra Thái Nguyên xử lý. Như vậy, chi phí vừa cao lại có nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển”.
Theo Ban Quản lý các KCN, tháng 2-2016, UBND tỉnh đã trao quyết định đầu tư nhà máy xử lý bụi thép công suất 100.000 tấn/năm cho Công ty Zincox Resources PLC – Vương quốc Anh (nay đổi tên thành Công ty CP Zinc Oxide Corporation Việt Nam) tại KCN Phú Mỹ 3. Sản phẩm đầu ra chính của nhà máy là ô-xit kẽm, gang, chì, bạc tinh chế và xỉ dùng cho sản xuất xi măng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 115 triệu USD. Công nghệ xử lý của dự án là công nghệ lò đáy quay (RHF).
Tuy nhiên, từ khi có quyết định đầu tư đến nay, Công ty CP Zinc Oxide Corporation Việt Nam vẫn chưa xong thủ tục về xây dựng. Theo lý giải của chủ đầu tư, việc chưa triển khai dự án là do lượng bụi lò phát sinh từ quá trình sản xuất thép trên địa bàn tỉnh hiện chưa đủ để đáp ứng công suất của nhà máy. Năm 2017, dự án này liên tục được đặt lên “bàn cân” các dự án chậm triển khai. Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, cân nhắc, tỉnh đã tạo điều kiện để dự án được tiếp tục thực hiện. Theo đó, dự kiến dự án này sẽ được khởi công trong tháng 1-2018. Tiến độ thực hiện dự án 18-24 tháng.
Trong khi chờ dự án Zinc Oxide Corporation Việt Nam hoàn thành, trong vòng 1-2 năm tới, bụi lò phát sinh trên địa bàn tỉnh BR-VT vẫn phải tiếp tục phải vận chuyển sang các tỉnh khác để xử lý.