Ô nhiễm cụm công nghiệp ở Hải Dương: Bài toán chưa có lời giải

Tin tức - Ngày đăng : 21:02, 08/08/2019

(TN&MT) – Trong những năm qua, các Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng gia tăng ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, nên việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại những nơi này, đang là bài toán chưa có lời giải. 

Nhức nhối ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở nơi gần Cụm Công nghiệp thường xuyên đơn thư, phản ánh về các hoạt động của Công ty, doanh nghiệp… gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nhiều Cụm Công nghiệp tình trạng này gây “nhức nhối” trong thời gian dài, không có giải pháp giải quyết triệt để, điển hình như: Các Công ty tái chế nhựa ở Cụm Công nghiệp Tân Hồng (huyện Bình Giang), Nhà máy sản xuất nhôm Đông Á, Cụm Công nghiệp Tân Dân (TP. Chí Linh), Nhà máy sản xuất cám, Cụm Công nghiệp Ngọc Sơn – Kỳ Sơn (huyện Từ Kỳ)…

1
Nước thải của các Công ty hoạt động tái chế nhựa ở Cụm Công nghiệp Tân Hồng (huyện Bình Giang) khiến dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, hiện các Cụm Công nghiệp hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên các doanh nghiệp tự xử lý cục bộ trước khi xả ra môi trường. Nhiều Công ty, doanh nghiệp, nhà máy… chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc đã xây dựng nhưng vận hành còn mang tính đối phó. Công tác quản lý về môi trường đối với các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cơ quan chuyên môn đã có nhiều biện pháp kiểm soát nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều Cụm Công nghiệp không giảm. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh đợt 1 (năm 2019) vừa qua cho thấy nhiều chỉ số môi trường không đạt hoặc vượt quy chuẩn cho phép. Trong 25 điểm đo, có 16 điểm nồng độ DO (lượng ô xy hòa tan trong nước) không đạt quy chuẩn, 18 điểm có nồng độ NH4+-N (Amoni-ni tơ) vượt quy chuẩn, 11 điểm có hàm lượng BOD5 (nhu cầu oxy hóa sinh học, là một chỉ tiêu sinh lý hóa quan trọng nhất của nước) vượt quy chuẩn, 1 điểm có Coliform vượt quy chuẩn. Một số điểm tiếp nhận nước thải Cụm Công nghiệp chất lượng nước có thông số Fe tổng tăng đột biến, như: Cụm Công nghiệp Tân Dân (TP. Chí Linh), Thạch Khôi - Gia Xuyên (huyện Gia Lộc).

2
Nhãn

Ngoài ô nhiễm nước thải, ô nhiễm bụi TSP (tổng bụi lơ lửng) cũng có xu hướng gia tăng trong, Cụm Công nghiệp: Phú Thứ, Duy Tân, Long Xuyên (huyện Kinh Môn), Ngọc Sơn – Kỳ Sơn (huyện Tứ Kỳ). Theo cơ quan chuyên môn, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, nguyên nhân do hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cây xanh chưa được đầu tư hoàn chỉnh; một số tuyến đường giao thông nội bộ trong Cụm Công nghiệp đã xuống cấp. Một số Cụm Công nghiệp có cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các hoạt động bến bãi, như: Cụm Công nghiệp Duy Tân, Hiệp Sơn, Phú Thứ (huyện Kinh Môn), Kỳ Sơn – Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ) nên có nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu. Do chưa có chủ đầu tư, nên công tác vệ sinh môi trường trong các Cụm Công nghiệp chưa được chú trọng, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường không ngừng gia tăng.

Bài toán bao giờ có lời giải?

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Hải Dương có 42 Cụm Công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 Cụm Công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 1.412 ha, thu hút gần 350 dự án, tỷ lệ lấp đầy khoảng 71%. Trong đó, 10 Cụm Công nghiệp đã lấp đầy 100%: Việt Hòa, Cẩm Thượng, Tây Ngô Quyền (TP. Hải Dương), Cao Thắng (huyện Thanh Miện), An Đồng (huyện Nam Sách), Quỳnh Phúc (huyện Kim Thành), Hiệp Sơn, Phú Thứ (huyện Kinh Môn), Tân Hồng - Vĩnh Hồng, Hưng Thịnh (huyện Bình Giang).

Trong số 33 Cụm Công nghiệp đang hoạt động, mới có 5 Cụm Công nghiệp có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Ba Hàng (TP. Hải Dương), Lương Điền, Dịch vụ thương mại Lương Điền (huyện Cẩm Giàng), Hồng Phúc - Hưng Long (huyện Ninh Giang) và Long Xuyên (huyện Kinh Môn). Mới chỉ có, Cụm Công Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước nhưng chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Các Cụm Công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nên việc đầu tư của các doanh nghiệp vào đây cũng gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong Cụm Công nghiệp cũng gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn, nhất là vấn đề quản lý nguồn thải của các Cụm Công nghiệp. Số lượng Cụm Công nghiệp đang hoạt động lớn, nhưng mới có 3 Cụm Công nghiệp được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Lương Điền (huyện Cẩm Giàng), Văn Tố (huyện Tứ Kỳ) và Nhân Quyền (huyện Bình Giang); 11 Cụm Công nghiệp được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết: Cẩm Thượng (TP. Hải Dương), Nghĩa An (huyện Ninh Giang), Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện), Kỳ Sơn – Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ), Tân Dân, Hoàng Tân, Văn An 1, Văn An 2 (TP. Chí Linh), Quỳnh Phúc, Cộng Hòa (huyện Kim Thành) và Cao An (huyện Cẩm Giàng).
Nguyên nhân do, các Cụm Công nghiệp đang hoạt động chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất trong Cụm Công nghiệp đều phải tự xử lý, sau đó thải ra nguồn tiếp nhận chung. Dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" đã làm cho công tác bảo vệ môi trường trong các Cụm Công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chỉ trông vào tính tự giác của từng Công ty, doanh nghiệp...

Chính vì vậy, thời gian qua đa số người dân ở gần các Cụm Công nghiệp thường xuyên phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt. Ô nhiễm môi trường, các Cụm Công nghiệp nguyên nhân đã rõ, nhưng bài toán này, tỉnh Hải Dương bao giờ tỉm ra được lời giải, người dân đang đặt ra câu hỏi và từng ngày mong chờ được sống trong môi trường không bị ô nhiễm?