Trầm tích lòng biển miền Trung đang bị đe dọa

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:53, 21/05/2019

(TN&MT) - Ven biển các tỉnh, thành khu vực Duyên hải miền Trung ví như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của của các địa phương.
T5
Trầm tích lòng biển miền Trung đang bị đe dọa. Ảnh: MH

Hệ sinh thái trong lòng biển bị đe dọa

Nằm cách TP. Hội An 30 km, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có hệ sinh thái vô cùng phong phú mang đầy đủ đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ với hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai...

Theo cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhiều năm qua, chính quyền TP. Hội An đã hướng dẫn người dân cách làm du lịch bền vững, gắn với bảo tồn sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo. Hoạt động của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Bên cạnh đó, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang phục hồi rạn san hô cứng, đồng thời, vận động người dân nói không với túi ni lông và tiến hành phân loại rác tại nguồn. Nhờ vậy, các giá trị đa dạng sinh học đã từng bước được quản lý, bảo vệ và không ngừng phát triển; đem lại không gian xanh, sạch hơn cho điểm du lịch Cù Lao Chàm.

Tuy vậy, từ trong lòng biển đang có nhiều diễn biến khó lường. Các rạn san hô, thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Hương, Bãi Bìm bị vùi lấp bởi trầm tích từ các công trình xây dựng với độ phủ khá cao, làm cho san hô bị chết và cỏ biển không thể phát triển trở lại. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do trầm tích và hệ thống nước thải từ các khu dân cư, nhà hàng chưa được xử lý cũng đang hủy diệt các loài san hô vốn nhạy cảm với môi trường. Một mối lo nữa, nạn khai thác hải sản trái phép vẫn tái diễn ở các khu vực cấm của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Như vậy, mặc dù đã được quản lý chặt chẽ, nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra gây nguy hại đến môi trường biển, các hệ sinh thái biển tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

“Các hệ sinh thái rất nhạy cảm trước những sự thay đổi môi trường, tuy vậy, chúng đang tồn tại và phát triển trong một bối cảnh có quá nhiều tác động từ thiên nhiên và con người. Lượng khách Cù Lao Chàm khá đông nên việc bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ.

Vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng là khu vực có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loài động thực vật biển được xác định. Trong đó, có 157 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển... Ngoài ra, còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển do Bộ NN&PTNT công bố năm 2008. Đây là nơi đã chứng kiến sự tồn tại và mất đi của nhiều loài sinh vật quý hiếm như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng... Tuy vậy, hiện đa dạng sinh học vùng cửa biển chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần bởi tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức cùng các nguồn chất thải, tác động của biến đổi khí hậu... Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển của Khu bảo tồn biển là người dân trên đảo khai thác cát để trồng tỏi mỗi năm lên đến trên 150.000 m3 dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy.

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là một trong vùng biển có đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với sự phong phú của các rạn san hô vùng nước nông ven bờ, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và nhiều sinh vật biển. Theo khảo sát của các nhà khoa học, vịnh Nha Trang có trên 350 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, trở thành vùng đa dạng bậc nhất về thành phần giống loại san hô tạo rạn so với các vùng biển ven bờ của Việt Nam. Cá rạn san hô nhờ vậy cũng có thành phần phong phú không kém, với trên 220 loài thuộc 102 giống và 38 họ. Động vật thân mềm có 106 loài thuộc 52 giống và 33 họ đã được ghi nhận. Tuy vậy, hoạt động khai thác du lịch, tốc độ đô thị hóa “nóng” đáp ứng sự lớn mạnh của ngành du lịch biển, đảo đã làm nảy sinh nhiều nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, suy giảm đa dạng sinh học tại đây

Bảo tồn biển để phát triển du lịch

Việc bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch biển đảo đầy tiềm năng. Số du khách đến với Cù Lao Chàm năm 2004 là vài nghìn người, năm 2012 là 106.000 và năm 2018 lên đến hơn 420.000 người, là minh chứng về sự hấp dẫn của vùng biển đảo ngập tràn nắng gió này. Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát triển du lịch được xem là đòn bẩy để các địa phương ven biển thay da đổi thịt. Ô nhiễm môi trường biển và sự suy giảm của đa dạng sinh học ở Lý Sơn đang đe dọa lớn đến chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương này. Để khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng hệ sinh thái biển và nâng cao nhận thức cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Khu Bảo tồn biển Lý Sơn. Cùng với đó, việc lắp phao khoanh vùng các điểm nghiêm cấm hoạt động đánh bắt hải sản, đặc biệt, ở vùng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn. Bố trí tàu tuần tra, kiểm tra trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn, phát hiện và hạn chế tình trạng ngư dân đánh bắt trái phép trong vùng bảo tồn.

Ông Phùng Đình Toàn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, tại Lý Sơn, có khoảng 500 hộ dân khai thác thủy sản bị ảnh hưởng khi thành lập Khu Bảo tồn biển Lý Sơn. Ban Quản lý đang kiến nghị với tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ sinh kế cho những hộ dân bị ảnh hưởng từ Khu Bảo tồn biển Lý Sơn để chấm dứt “tận diệt” hải sản trong khu bảo tồn biển. Về lâu dài,  Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn hướng đến việc xây dựng các mô hình bảo tồn biển dựa vào cộng đồng quy mô vừa và nhỏ như nhóm cộng đồng bảo vệ san hô, nhóm cộng đồng khai thác rong biển, nhóm cộng đồng du lịch sinh thái. Các mô hình này vừa bảo vệ, vừa tạo sinh kế cho người dân trong vùng bảo tồn biển.

“Chúng tôi sẽ điều tra, khảo sát và quy hoạch lại Khu Bảo tồn biển Lý Sơn cho hợp lý; thực hiện các chương trình như: Phục hồi các rạn san hô, thảm cỏ biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bổ sung vào trong vùng biển của khu bảo tồn những loài động vật quý hiếm mà lâu nay bị cạn kiệt do khai thác” - ông Phùng Đình Toàn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.

Để bảo vệ đa dạng sinh học trước nguy cơ suy giảm, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện thành công nhiều đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang”, “Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”... nhằm đưa ra các giải pháp chính sách đồng bộ trong việc phục hồi san hô, thảm cỏ biển. Về lâu dài, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi san lấp, lấn biển quá phạm vi cho phép tại các khu du lịch trên các đảo và ven bờ vịnh, ngoài việc bảo vệ môi trường cảnh quan, việc này còn hạn chế sự lắng đọng trầm tích gây bất lợi cho hệ sinh thái vùng đáy biển.

Khi du lịch được được xem là hoạt động kinh tế mũi nhọn của các tỉnh ven biển miền Trung và nhiều địa phương đang có chiều hướng quá tải, đồng nghĩa, với môi trường và hệ sinh thái biển tiếp tục suy giảm. Chính vì vậy, “cuộc chiến” giữa bảo tồn hệ sinh thái biển và sử dụng nó cho mục đích phát triển kinh tế vẫn ở tình thế cam go, nhiều trở ngại.