Sơn La: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tài nguyên - Ngày đăng : 09:32, 29/03/2019

(TN&MT) - Ngày 28/3, Sở TN&MT Sơn La tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực tài nguyên và môi trường quý I-2019. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành có liên quan và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

5 kiến nghị lĩnh vực đất đai, GPMB

Hội nghị đã nhận được kiến nghị của Công ty cổ phần cấp nước Sơn La về việc: Khẩn trương bàn giao mặt bằng của Công ty cổ phần thủy sản Sơn La cho Công ty cổ phần cấp nước Sơn La để xây dựng hồ chứa nước thô tại tổ 6, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, đại diện Sở TN&MT đã thông tin về các nội dung mà ngành đã triển khai để giải quyết kiến nghị của Công ty.

Hiện nay, UBND thành phố Sơn La đang thực hiện công tác bồi thường tài sản, công trình xây dựng trên đất và bồi thường hỗ trợ là vật nuôi của Công ty cổ phần thủy sản Sơn La theo chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La tại Công văn số 3174/UBND-KT ngày 13/9/2018, về việc giải quyết vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của Công ty cổ phần thủy sản Sơn La để thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước thô thành phố Sơn La.

Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La khẳng định: Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Công ty và sẽ tiếp tục thống nhất cùng thành phố để giải quyết những nội dung còn đang vướng mắc.

Đại diện Sở TN&MT cũng khẳng định: Sau khi UBND thành phố Sơn La lập phương án bồi thường, hỗ trợ xong gửi Sở TN&MT, Sở sẽ trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất của Công ty cổ phần thủy sản Sơn La theo quy định.

Với kiến nghị của Chi nhánh xăng dầu Sơn La về việc sớm hoàn thiện các thủ tục xin gia hạn sử dụng đất với 7 khu đất của đơn vị, Sở TN&MT đã thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện các thủ tục; những vướng mắc đang tồn đọng và phương hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT giải đáp các kiến nghị của DN
Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT giải đáp các kiến nghị của DN

Siết chặt quản lý tài nguyên nước

Với kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý nguồn chất thải dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, nhất là các khu vực đầu nguồn nước, do tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, đặc biệt là ô nhiễm do nước thải sơ chế nông sản; nguy cơ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do ý thức sử dụng của người dân không kiểm soát được.

Về vấn đề này, Sở TN&MT Sơn La xin tiếp thu và khẳng định: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tăng cường trách nhiệm quản lý môi trường đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thông qua các công việc: Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ xử lý nước thải chế biến nông sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; thường xuyên thực hiện việc quan trắc nhằm cảnh báo sớm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước để phòng ngừa.

Liên quan đến kiến nghị khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ; hàng năm, Sở TN&MT luôn phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc khoan giếng để khai thác nước dưới đất theo kế hoạch. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, xử lý tình trạng khoan và khai thác giếng khoan trên địa bàn. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm túc các quy định về thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đánh giá chi tiết hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước để có giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý nước dưới đất, năm 2018, Sở TN&MT đã trình và được UBND tỉnh cho phép lập Dự án “Điều tra, đánh giá khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 14/3/2018. Thời gian thực hiện Dự án trong 02 năm 2018-2019.

Tại hội nghị, các DN đã có đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, GPMB, tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn.
Tại hội nghị, các DN đã có đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, GPMB, tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn.

Ngày 26/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Để triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định, ngày 22/01/2019, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh tên và một số nội dung của Dự án phù hợp với quy định tại Nghị định số 167 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 311/QĐ-UBND ngày 01/02/2019. Đến thời điểm hiện tại, Dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn khảo sát thực địa và đang triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý IV/2019.

Sau khi Dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả của Dự án, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai các nội dung để quản lý, kiểm soát việc khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định.

Trong khuôn khổ hội nghị, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện Sở TN&MT Sơn La đã giải đáp cơ bản các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn.

Được biết, việc tổ chức đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực TN&MT sẽ được Sở TN&MT Sơn La duy trì thường xuyên, nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ đó góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực về TN&MT.

Thông qua hội nghị, Sở TN&MT sẽ tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về quá trình thực thi pháp luật về TN&MT, từ đó, có giải pháp tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động Sở TN&MT. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp của tỉnh. Tăng cường mối liên hệ giữa doanh nghiệp với Sở TN&MT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.