Đất ngập nước: Nguồn tài nguyên vô giá

Tài nguyên - Ngày đăng : 15:03, 22/01/2019

(TN&MT) - Khu vực đất ngập nước ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa - xã hội.
Anh bai Dat ngap nuoc
HST ĐNN có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn tài nguyên ĐDSH

Với tầm quan trọng đó, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 273/BTNMT-TCMT ngày 17/1/2019 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo tổ chức một số hoạt động động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019 (2/2) nhằm ngăn chặn sự suy thoái các vùng đất ngập nước, phát huy cơ sở hạ tầng tự nhiên để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trên toàn quốc.

Phân bổ trên 8 vùng sinh thái

Đất ngập nước ở Việt Nam có diện tích khoảng 10 triệu ha, phân bố trên tất cả 8 vùng sinh thái. Dưới tán lá rừng của hệ sinh thái đất ngập nước (HST ĐNN) chứa đựng một nguồn tài nguyên thực vật, động vật phong phú là mắt xích quan trọng trong chuỗi quan hệ dinh dưỡng của HST là nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã.

Đến nay, Việt Nam đã thống kê sơ bộ có khoảng 12.115 loài thủy sinh vật phân bố ở môi trường biển, môi trường nước lợ và các vùng nước nội địa cùng với hơn 300 loài động vật có xương sống chuyên sống trong môi trường nước, hoặc có chu kỳ sống thích nghi liên quan với các HST ĐNN. Trong đó, thú có 47 loài thuộc 11 họ, 4 bộ; chim có 170 - 180 loài thuộc 42 họ nằm trong 20 bộ; bò sát có 35 loài thuộc 6 họ và hầu hết 162 loài lưỡng cư thường sống và phát triển trong môi trường ĐNN.

“Đất lành chim đậu”, các vùng ĐNN Việt Nam từ xa xưa đã hình thành nên nhiều sân chim. Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng có khoảng hơn 30 sân chim như: Bạc Liêu 40 ha, Đầm Dơi 120 ha, Cái Nước 13 ha, Tràm Chim hơn 5.000 ha... Nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn về khoa học, văn hóa giáo dục và phục vụ du lịch sinh thái, mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội.

Khu vực nhạy cảm chú trọng bảo tồn

Tại Việt Nam, những quy định về quản lý và bảo tồn ĐNN đều được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hoặc văn bản liên quan và được xây dựng dựa theo các định hướng, chiến lược, kế hoạch chung về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra như: Nghị quyết số 24 về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam... Đây là những cơ sở quan trọng để lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN, nhằm phát huy những giá trị to lớn từ dịch vụ HST ĐNN.

Do vậy, trong thời gian tới, các dịch vụ HST của ĐNN có thể lồng ghép theo từng giai đoạn của quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo hướng cần xác định mối liên hệ giữa dịch vụ HST đối với các chỉ tiêu phát triển của các quy hoạch, kế hoạch, phân tích các tác động của quy hoạch, kế hoạch đến các dịch vụ HST. Xác định các khu vực sinh thái cụ thể có tính nhạy cảm, hoặc đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của quy hoạch, kế hoạch.

Đồng thời, các phương án phát triển các quy hoạch, kế hoạch cần xem xét đến việc đạt được các mục tiêu phát triển, cũng như các mục tiêu duy trì khả năng cung ứng các dịch vụ của HST...

Nhiều hoạt động Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019

Văn bản số 273/BTNMT-TCMT ngày 17/1/2019 của Bộ TN&MT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo tổ chức một số hoạt động trọng tâm.

Cụ thể, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương để phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái; đưa các bản tin hoặc phim ngắn về chủ đề ngăn ngừa sự suy thoái các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên các kênh truyền thông của cơ quan, địa phương.

Tổ chức phát động các phong trào trong năm 2019 với các nội dung: Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước; phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước và hạn chế tối đa việc tháo nước, gây mất nước tại các vùng đất ngập nước để góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương.

Tùy theo điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự về Chủ đề “Ngăn chặn suy kiệt đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu”.

Sau khi hoàn thành các hoạt động tổ chức hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019, đề nghị Quý cơ quan gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TN&MT để tổng hợp và báo cáo Ban Thư ký Công ước Ramsar.