Quảng Nam: Siết chặt truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở chế biến gỗ
Tài nguyên - Ngày đăng : 16:24, 25/12/2018
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tổ chức tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn quản lý để kịp thời chấn chỉnh đảm bảo hoạt động của các cơ sở theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Không cấp mới, không gia hạn hoặc đề nghị cấp mới cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ đặt trong lâm phận các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặt trong hoặc gần rừng tự nhiên. Tiến tới giảm dần các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ phù hợp với tình hình và nhu cầu tế của địa phương.
Quản lý chặt chẽ việc chế biến, nhập, xuất gỗ; rà soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Di dời các cơ sở chế biến gỗ nằm trong các khu rừng hoặc gần rừng, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong hoặc gần khu dân cư về các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm pháp luật, thành lập không đúng theo quy định của Nhà nước và không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, mua bán gia công, chế biến, tàng trữ gỗ bất hợp pháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, chủ trì tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động truy xuất nguồn gốc gỗ; kiểm tra giám sát việc nhập, xuất gỗ theo quy định hiện hành, không để xảy ra tình trạng quay vòng hồ sơ để tiêu thụ gỗ trái phép.
Ngoài ra, có kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trồng cây đa mục đích và cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC),… tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến và dân dụng nhằm thay thế dần nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên.
Quảng Nam là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung, Tây Nguyên có nhiều động thái tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2002, tỉnh này đã có chủ trương đóng cửa rừng. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều bất cập. Nạn phá rừng vẫn diễn biến phức tạp và có quy mô ngày càng lớn hơn. Ðiển hình trong vòng ba năm trở lại đây, Quảng Nam đã để xảy ra hàng chục vụ phá rừng nghiêm trọng khiến dư luận bất bình và đặt ra nhiều câu hỏi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.
Trong 3 năm trở lại đây, mặc dù tỉnh Quảng Nam đã thành lập nhiều ban quản lý rừng và tăng cường lực lượng kiểm lâm cho cơ sở, nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nhiều cánh rừng vẫn bị tàn phá nặng nề nhưng chủ rừng và cả lực lượng kiểm lâm đóng trên địa bàn không hay biết, hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ để lâm tặc hoành hành. Năm 2018 đã có hàng chục cán bộ địa phương bị kỷ luật liên quan đến việc phá rừng tại Quảng Nam.
Việc siết chặt công tác quản lý các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ, cùng với việc giám sát chặt chẽ hoạt động truy xuất nguồn gốc gỗ sẽ là một trong những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phá rừng, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay.