Công viên địa chất Đắk Nông: Hội đủ yếu tố công viên địa chất toàn cầu
Tài nguyên - Ngày đăng : 16:18, 16/10/2018
(TN&MT) - Tỉnh Đắk Nông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến Công viên địa chất Đắk Nông để tháng 11/2018 sẽ đệ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đây là danh hiệu cao quý do tổ chức UNESCO thẩm định và công nhận dựa trên các tiêu chí định sẵn.
Nhiều giá trị địa chất độc đáo
Công viên địa chất Đắk Nông rộng khoảng 2.000km2, nằm trên địa bàn sáu huyện, thị xã Krông Nô Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.
Trong chuyến khảo sát thực địa của Đoàn chuyên gia UNESCO, Tiến sĩ Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu đã nhận định, CVĐC núi lửa Krông Nô rất đặc biệt, khác với nhiều CVĐC khác. Cụ thể, CVĐC núi lửa Krông Nô hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Điểm nổi bật nhất trong CVĐC núi lửa Krông Nô là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp - Cư Rlúh được phát hiện từ năm 2007 và được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ.
Bên cạnh giá trị về địa chất, trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông còn sở hữu những di sản địa mạo quý giá như hồ, thác nước tự nhiên đẹp thơ mộng và hùng vĩ: Hồ Ea Snô, Hồ Trúc, Hồ Tây, Thác Đray Sáp, Thác Trinh Nữ…; Cùng với đó là bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót Ndrong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.
Công viên địa chất Đắk Nông đáp ứng được yêu cầu của UNESCO để trở thành công viên địa chất toàn cầu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UNESCO yêu cầu, công viên địa chất toàn cầu phải có ít nhất 40 điểm di sản địa chất, trong đó, có ít nhất một di sản địa chất có giá trị mang tầm quốc tế. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định, Công viên địa chất Đắk Nông có 55 điểm di sản địa chất, trong đó, có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế.
Còn nhiều thử thách
Với tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh Đắk Nông đã và đang cố gắng hết sức mình để chinh phục danh hiệu CVĐC toàn cầu nhằm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, hiệu quả. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn lẫn thách thức.
Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng CVĐC của tỉnh vẫn khá nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với cộng đồng chưa thể triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động phát triển du lịch chưa thực sự tâm huyết với nghề, một số yếu cả về chuyên môn và ngoại ngữ. Nhiều nơi chưa có quy hoạch hay định hướng rõ ràng về phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch còn quá nghèo nàn… Mặt khác, nhận thức của người dân về bảo vệ di sản còn hạn chế nên tình trạng khai thác các di sản địa chất vẫn còn diễn ra…
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô, để khắc phục những khó khăn trên, hiện tại, tỉnh đang phối hợp với Viện Khoáng sản địa chất Việt Nam tiến hành đo đạc, xác định lại diện tích phát sinh cũng như các điểm du lịch, khoáng sản nổi trội để bổ sung vào hồ sơ. Tỉnh đã mời Tiến sĩ Guy Martini làm cố vấn hướng dẫn Đắk Nông xây dựng 3 tuyến du lịch CVĐC.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô sẽ phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và phát huy vốn văn hóa truyền thống, giúp bà con biết khai thác sinh kế dựa vào các mô hình du lịch bền vững.