Gian nan tìm đất làm nông nghiệp "sạch"
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:11, 01/10/2018
Kể chuyện phải bán 2 lô đất gần 50 ha ở Bình Dương vì nguồn nước không đạt, đất không đủ độ mùn và nhiễm kim loại nặng nhiều, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết Vinamit đã phải bỏ nhiều khu đất, không thể làm trang trại hữu cơ vì không đạt tiêu chuẩn.
Có đất thôi chưa đủ
Trường hợp tương tự như Vinamit không hiếm, vẫn thường xảy ra đối với các dự án nông nghiệp hữu cơ. Cũng cất công tìm vùng nguyên liệu trong một năm nay, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op đang tính toán lại chiến lược phát triển mảng thực phẩm hữu cơ thương hiệu Co.op Organic. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đang cân nhắc khả năng ngừng kế hoạch tự đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà tập trung liên kết với các nhà sản xuất để đẩy mạnh đầu ra, đa dạng hóa sản phẩm.
"Cũng có vài người giới thiệu chỗ này chỗ khác, chúng tôi đã đi khảo sát nhưng chưa tìm được vùng nguyên liệu phù hợp. Chỗ thuận tiện thì giá quá cao, nguồn đất, nước chưa ổn; chỗ vùng nguyên liệu an toàn thì khoảng cách quá xa, muốn khai thác phải đầu tư hạ tầng, làm logistics…" - ông Kiên nói.
Ông Kiên thông tin thêm, kế hoạch năm 2019, nhãn hàng Co.op Organic bổ sung một số mặt hàng rau củ, trái cây, thịt heo nên trước mắt, Saigon Co.op sẽ hợp tác liên kết với một số đối tác làm organic đã có chứng nhận hoặc đang làm thủ tục cấp chứng nhận hữu cơ. "Làm nông nghiệp hữu cơ phải đầu tư lâu dài. Tại thị trường miền Nam, chúng tôi đã khảo sát vùng nguyên liệu ở khu vực Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; sắp tới sẽ tìm nguồn trực tiếp ở phía Bắc để phục vụ thị trường miền Bắc" - ông Kiên cho biết.
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Lâm Viên, làm nông nghiệp hữu cơ cần nhiều nước để nuôi hệ vi sinh vật nên bắt buộc phải có nguồn nước ngọt dồi dào. ĐBSCL vẫn là vùng nguyên liệu tốt để chuyển đổi từ sản xuất phụ thuộc hóa chất sang sản xuất hữu cơ, với điều kiện dòng chảy sông Mekong không bị chặn và nước biển không xâm thực. "Nước lũ hằng năm sẽ mang phù sa về rửa sạch đất, nguồn nước ngọt nuôi hệ vi sinh vật và cây trái, cá tôm lẫn côn trùng khác. Vùng Cà Mau, U Minh Thượng khá tốt để phát triển nông nghiệp hữu cơ vì hệ sinh thái còn khá nguyên sơ. Vùng cao Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng hay Bình Phước bị giới hạn bởi thiếu nguồn nước thủy lợi" - ông Viên phân tích.
Tránh mối nguy hóa học
Ông V.N.T, người phụ trách tìm đất của một dự án góp vốn trồng rau hữu cơ phân phối tại TP HCM, cho biết 2 năm qua sốt đất nhiều nơi, đất nông nghiệp cũng sốt theo nên khó tìm được đất thích hợp. "Đất ở các tỉnh giáp TP HCM, thuận tiện giao thông hầu hết đã bị thâm canh hóa học, thời gian cải tạo lâu. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến việc đầu tư rủi ro cao. "Những nơi vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng, Kon Tum…, nguồn đất sạch còn dồi dào nhưng thiếu hạ tầng cơ bản. Doanh nghiệp muốn trồng trọt được phải bỏ tiền ra làm đường, kéo điện, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu rất tốn kém" - ông T. phân trần.
Trên hỗ trợ, dưới làm khó Các doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ cho hay niềm an ủi lớn của người làm sản phẩm sạch là được nhà nước, chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án. Mặc dù vậy, vẫn còn một số trường hợp sở, ngành, địa phương cố tình không hợp tác, gây khó khăn trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi hoặc thực hiện các thủ tục đầu tư. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp thuê đất diện tích lớn, đã đóng trước tiền thuê trong 50 năm và đang trong thời kỳ "giải độc" cho đất nhưng vẫn bị chính quyền địa phương "hỏi thăm" liên tục vì cho rằng doanh nghiệp thuê đất và bỏ không. P.AN |
TS Nguyễn Bá Hùng, một trong những người tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đang tư vấn cho 6 trang trại rau củ quả hữu cơ, cho biết so với cách đây vài năm, hiện các tổ chức quốc tế về chứng nhận hữu cơ đánh giá Việt Nam có nhiều mối nguy cơ hóa học hơn. "Trước đây, họ chỉ yêu cầu kiểm tra 128 chỉ tiêu nhưng nay tăng lên 256 chỉ tiêu. Chi phí xét nghiệm lên đến 11,5 triệu đồng/mẫu, mỗi lần phải lấy vài mẫu, rất tốn kém đối với một dự án nông nghiệp. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn khá nhiều vùng đất có khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề là cần sự hỗ trợ từ đầu của những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc chọn đất thích hợp để tránh tình trạng đầu tư vài năm nhưng không lấy được chứng nhận do không đạt yêu cầu" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cần có quy hoạch đất dành cho nông nghiệp hữu cơ để tránh việc nhiễm chéo từ các trang trại canh tác hóa chất. Do chưa có quy hoạch này, các trang trại hữu cơ đang phải đầu tư khá lớn để tạo vùng đệm cách ly với bên ngoài. Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần có cộng đồng liên kết với nhau nhằm giúp đa dạng chủng loại sản phẩm, bảo đảm số lượng để cung cấp hàng liên tục.