Chia sẻ mô hình sinh kế, nâng cao nhận thức bảo vệ phát triển rừng
Tài nguyên - Ngày đăng : 16:00, 01/10/2018
Mới đây, trên 20 tổ chức, cơ quan, đơn vị tỉnh thành trong cả nước đã cử cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, cán bộ theo dõi quản lí quỹ bảo vệ phát triển rừng đến dự hội thảo này do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Ba Bể Ecolodge, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Báo Tài nguyên và Môi trường đã cử phóng viên đến học tập kinh nghiệm và bám sát thông tin thực tế các mô hình sinh kế cho đồng bào nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ phát triển rừng ở Bắc Kạn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của CIFOR và Bộ NN&PTNT đã chia sẻ nhiều thông tin mới nhất về tiến trình thực hiện REDD+ ở Việt Nam, những khó khăn và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Mục tiêu của REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như: Giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học... Theo thông tin tài liệu do các chuyên gia cung cấp tại hội nghị cho thấy: Việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 toàn cầu; rừng được duy trì sẽ giúp chúng ta thích ứng thông qua việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quý giá. Tiến sĩ Phạm Thu Thủy, Đại diện trưởng của CIFOR tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một nước có nhiều chính sách để bảo vệ và phát triển rừng trên cạn và rừng ngập mặn rất hiệu quả. Nhưng đôi khi khoảng trống giữa chính sách và thực hiện chính sách ở các địa phương thì cần sự giám sát, theo dõi sát sao hơn sẽ mang lại hiệu quả thực tế tốt hơn. Đối với việc giữ rừng, phát triển rừng thì phải lấy yếu tố cốt lõi là con người, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chống phá rừng, bảo tồn, phát triển rừng bền vững. Muốn bảo vệ rừng bền vững thì cần tạo sinh kế giúp người dân có hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống sẽ góp phần giảm thiểu hành vi phá rừng lấy đất, lấy gỗ. Vai trò của truyền thông rất lớn, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc sinh sống trong rừng để hạn chế phá rừng…”
Các thông tin đưa ra tại Hội thảo cho thấy, rừng giúp kiểm soát xói lở đất, cung cấp nước sạch và tạo ra hành lang cho động - thực vật hoang dã di chuyển tới các vùng có khí hậu thuận lợi hơn. Việc các dịch vụ này bị mất đi sẽ tác động tới cuộc sống và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cũng có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu nếu không được quản lý một cách bền vững. Khi gỗ bị khai thác, cây sẽ trở thành nguồn khí nhà kính bởi vì toàn bộ carbon mà nó tàng trữ sẽ phát thải dưới dạng CO2 và cây sẽ không còn là bể chứa carbon. Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra một số nội dung tiến trình thay đổi chính sách lâm nghiệp và nhận thức về Reed+; chiến lược tiếp cận Reed+ như là một cơ hội cho quá trình chuyển đổi ngành Lâm nghiệp; chương trình hợp tác quốc tế của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển; mục tiêu trợ giúp các nước đang phát triển và cộng đồng quốc tế về thực hiện giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu… Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông cho cán bộ quỹ bảo vệ phát triển rừng các tỉnh thành và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong cả nước. Để gắn lý thuyết với thực tiễn, đoàn công tác đã đến thăm vườn quốc gia Ba Bể, cùng nhau phân tích hệ sinh thái rừng tự nhiên, kỹ năng quản lý bảo vệ rừng, kỹ năng tiếp cận nguồn tin, thu thập thông tin từ nhân dân về phá rừng và những vấn đề liên quan, Kỹ năng truyền thông… Sau đó, đoàn đã đến thăm quan một số mô hình tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc sống bám rừng ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hộ gia đình ông Lục Văn Đuông, dân tộc tày, ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đã được tham gia mô hình tạo sinh kế trồng cỏ vỗ béo trâu bò. Từ khi gia đình ông chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng cỏ nuôi bò, mỗi năm ông võ béo và bán 3 lứa bò thu hàng chục triệu đồng. Phân bò, ông Đuông đem bón cho vườn rong riềng rất tốt. Thu hoạch củ rong riềng cũng cho gia đình phần thu kha khá. Thấy rõ hiệu quả từ khi tham gia chương trình dự án, ông Đuông phấn khởi cho biết: Nghe lời Đảng, làm theo hướng dẫn của cán bộ, tôi thấy trồng cỏ nuôi bò rất hiệu quả. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng già này mà phát triển kinh tế tốt lắm. Nhân rộng cách làm hay này ra cho bà con thì chắc chắn họ không phá rừng lấy gỗ, lấy bãi để mưu sinh nữa.
Ông Nguyễn Văn Mậu, cán bộ hỗ trợ, thúc đẩy chương trình REDD+ tại tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết thêm những trăn trở: Đồng bào dân tộc được hướng dẫn kiến thức về bảo vệ rừng, được trang bị phương tiện tuần tra bảo vệ rừng, được chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế từ các mô hình như trồng cỏ, nuôi bò, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển nông sản bản địa thành vùng sản xuất lớn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống sẽ giảm thiểu phá rừng. Đề nghị kéo dài dự án và cấp kinh phí kịp thời cho dân, cho ban quản lý để các hoạt động diễn ra đều đặn và hiệu hơn.
Từ năm 2015, chương trình UN-REDD đã đựợc triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Qua 3 năm triển khai thực hiện tại địa bàn một số xã, huyện đã đạt hiệu quả rõ rệt. Hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng chính sách từ dự án, được học tập và ứng dụng kiến thức về bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần giảm thiểu hành vi phá rừng, bảo vệ phát triển rừng tốt hơn giúp nâng độ che phủ rừng lên trên 72% góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Có được thành quả ban đầu khả quan là nhờ phần lớn từ chiến dịch truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào. Nhà báo Hồ Vĩnh Phú, Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam đã chia sẻ: Chúng tôi hy vọng qua Hội thảo này nhằm cung cấp thông tin cơ bản về REDD+ tại Việt Nam, mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí khắp các tỉnh thành chung tay thu thập tài liệu, đẩy tần xuất, chất lượng tin bài tuyên truyền giúp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức toàn diện về rừng, về phát triển kinh tế chống phá rừng, phổ biến kiến thức pháp luật về lâm nghiệp, về các chính sách hỗ trợ người dân, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo vệ phát triển rừng chống biến đổi khí hậu ở các địa phương để mỗi tỉnh thành giữ chắc lá phổi xanh.
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ đã sớm có những giải pháp tích cực trong khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38,7% năm 2018 lên 41,45% năm 2017; cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, hoàn thiện đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.